Đối mặt với lo toan và bộn bề trong cuộc sống, nhiều người tìm đến các phương pháp chữa lành để giải tỏa căng thẳng như mát-xa, tập yoga hay thiền tịnh. Bên cạnh đó, đối với một số người, việc dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp đồ đạc là một giải pháp hữu hiệu giúp cải thiện sức khỏe tinh thần.
Tiến sĩ Tâm lý học Danielle Roeske cho biết: “Môi trường bên ngoài luôn ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc bên trong và ngược lại”. Do đó, khi tâm trí của bạn bị quá tải, không gian sống cũng có xu hướng trở nên lộn xộn theo. Ngược lại, một không gian bừa bộn có thể khiến một người rơi vào tình trạng lo lắng, khó tập trung và căng thẳng”, tiến sĩ tâm lý học Peggy Loo cho biết.
Năm 2020, một nghiên cứu tiến hành tại Hàn Quốc đã chỉ ra mối liên hệ giữa triệu chứng trầm cảm của người dân với những ngôi nhà có điều kiện sống không đạt chuẩn. Một nghiên cứu khác năm 2021 tại Trung Quốc cho thấy người dân cảm thấy hạnh phúc hơn khi sống trong những ngôi nhà ngăn nắp.
Nghiên cứu tại Đại học Princeton chỉ ra sự bừa bộn, đồ đạc chất đống làm mọi người khó tập trung hoàn thành một công việc cụ thể, đặc biệt là khi đống đồ đạc không liên quan đến việc đang làm. Ví dụ thông thường bạn dọn tủ quần áo bừa bộn trong 20 phút, nhưng nếu tủ quần áo của bạn còn chất thêm những thứ không liên quan như sách vở, mỹ phẩm, bạn sẽ mất tập trung và có thể tốn 40 phút để sắp xếp mọi thứ.
Đồ đạc lộn xộn sẽ làm bộ não của bạn nghĩ rằng bạn có rất nhiều thứ dang dở cần giải quyết nhưng bạn lại không biết bắt đầu từ đâu. Đây là lúc bạn cần bắt tay dọn dẹp, sắp xếp, kiểm soát môi trường xung quanh để cuộc sống thêm thư thái, nhẹ nhàng.
Khi môi trường bên ngoài được sắp xếp theo trật tự và cấu trúc nhất định, chúng ta có thể quản lý tâm trạng bên trong tốt hơn. Do đó, việc dọn dẹp mang lại cảm giác kiểm soát. Tiến sĩ Roeske lưu ý rằng con người thích duy trì những thói quen đem lại sự ổn định, nhất là trong những hoàn cảnh xáo động. Một nghiên cứu của Đại học Connecticut đã chỉ ra rằng trong thời điểm căng thẳng cao độ, nhiều người thường dọn dẹp như một thói quen lặp đi lặp lại vì họ cảm giác mình đang làm chủ mọi thứ.
Theo tiến sĩ Roeske, trong quá trình dọn dẹp cơ thể giải phóng ra endorphin, một loại hormone có tác dụng như thuốc giảm đau, giúp giải tỏa căng thẳng và cải thiện thể trạng. Dọn dẹp phòng ngủ sạch sẽ cũng giúp cải thiện giấc ngủ. Một giấc ngủ ngon sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần, giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm, lo âu, mệt mỏi.
Ngoài ra, dọn dẹp cũng như một cách sống chậm. Chúng ta có nhiều thời gian để tập trung vào công việc đang làm hơn. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Mindfulness cho thấy những người tập trung toàn bộ cảm xúc và suy nghĩ của mình vào việc rửa bát có thể cải thiện 25% sức khỏe tinh thần.
Những người có khu vực làm việc gọn gàng và ngăn nắp thường ít bị phân tâm, có khả năng làm việc hiệu quả và khả năng xử lý thông tin tốt hơn. Nếu bạn đang gặp khó khăn khi tập trung vào một dự án, hãy dành vài phút để sắp xếp lại giấy tờ và đồ đạc trên bàn làm việc. Ngoài ra bạn cũng có thể loại bỏ những đồ vật không cần thiết để giảm sự chú ý của não bộ dành cho các đồ vật đó.
Dưới đây là một số phương pháp dọn nhà hiệu quả:
1. Chọn phòng yêu thích hoặc phòng quan trọng nhất (đối với bạn) để bắt tay vào dọn dẹp. Ví dụ với một số gia đình, nhà bếp là nơi quan trọng nhất vì đó là nơi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình và đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều vi khuẩn có hại.
2. Bắt đầu từ các bước nhỏ. Hầu hết mọi người trì hoãn dọn dẹp vì quá mệt mỏi khi nhìn vào đống đồ đạc chất đống. Thay vì cố gắng dọn toàn bộ ngôi nhà trong cuối tuần, hãy bắt đầu từ việc nhỏ, mỗi ngày một chút. Ví dụ dọn bếp và rửa bát đĩa ngay sau bữa sáng, hoặc chia các ngày để dọn, thứ Hai dọn bồn rửa, thứ Ba dọn bếp.
3. Tưởng tượng bạn sẽ luôn đón những vị khách bất ngờ. Hình dung là bạn bè chuẩn bị ra nhà bạn để ăn tối hoặc tổ chức tiệc nho nhỏ, nhưng họ sẽ “hoảng hốt” vì đồ đạc bừa bộn trong nhà bạn. Nhìn ngôi nhà của bạn bằng góc nhìn của người khác sẽ giúp bạn có thêm động lực dọn dẹp.
4. Đặt thời gian cụ thể. Hẹn giờ để tính toán khối lượng công việc bạn có thể xử lý trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó lên lịch dọn dẹp hiệu quả hơn. Ngoài ra, bạn cũng không bị áp lực phải dành quá nhiều thời gian cho một việc. Ví dụ, bạn chỉ cần hẹn 30 phút để dọn dẹp phòng ngủ.
5. Nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài. Đôi khi bạn sẽ rơi vào những tình huống mà bạn không đủ sức lực và thời gian để dọn, ví dụ vừa khỏi ốm, hay làm một lúc 2-3 việc. Lúc này hãy nhờ đến bạn bè, gia đình hoặc thuê người giúp việc. Để giảm chi phí thuê người giúp việc, bạn có thể nhờ họ làm như việc đòi hỏi nhiều công sức như dọn dẹp phòng tắm, nhà bếp. Còn những khu vực nhẹ nhàng hơn như phòng ngủ, phòng khách thì tự mình dọn.
6. Làm việc từ từ. Hãy học cách ước lượng được năng lượng và thời gian mà bạn có. Bạn không nhất thiết phải ép mình xử lý tất cả trong một buổi tối. Nếu làm nhiều hơn những gì trong khả năng, bạn sẽ chỉ ôm thêm lo âu.
Đúng là giữ gìn lối sống ngăn nắp được coi là một thói quen lành mạnh và có lợi cho sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, thói quen này có thể trở thành vấn đề khi bạn buộc mình phải luôn gọn gàng, sạch sẽ và ưu tiên nó trên mọi hoạt động khác. Ví dụ bạn có một kế hoạch đi chơi quan trọng với bạn bè nhưng hủy vào phút chót để dọn nhà cho xong, hoặc bạn bị ám ảnh với việc dọn dẹp đến mức bạn thường đi làm muộn vì mải lau chùi.
Khi đó, việc dọn dẹp không những không có lợi mà còn tạo ra tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và lịch trình sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn