Trong làn nắng mật, người ta có thể lắng nghe lao xao biết bao giọng nói và ngôn ngữ của những con người chung sống nơi này, đó là các cộng đồng người Việt, người Hoa, người Khmer, người Chăm. Và nơi đó, vùng núi sông An Giang yêu thương của tác giả Nghiêm Quốc Thanh, hình ảnh người thân người quen trong kí ức nối nhau thức dậy, đưa anh quay về quãng ngày còn là một chú bé, hay khi còn là chàng trai chưa rời xa quê.
Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt độc giả hai tập tản văn về mảnh đất An Giang - miền biên viễn Tây Nam của tổ quốc: “Mật nắng biên thùy” của Nghiêm Quốc Thanh và “Trong sương thương má” của tác giả Trương Chí Hùng.
Bước chân kí ức đưa Nghiêm Quốc Thanh đi mãi, thành 19 tản văn nhỏ xinh trong Mật nắng biên thùy. Để khi khép cuốn sách lại, người đọc sẽ thấy như nắng đâu đó còn vương trên đỉnh đồi phía ấy Thất Sơn.
Nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng: “Nghiêm Quốc Thanh hút mật nắng quê mình để làm nên những dòng văn nồng hương rừng núi, cỏ cây xen trong sỏi đá khô cằn và hẳn là thơm mùi nắng gió. Văn được chắt từ đất nên cũng chân tình như chính đất lửa Thất Sơn. Một An Giang rất An Giang nhưng lại lạ lẫm mà ngay cả người từng tìm hiểu về vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng như xứ nào xa lắm. Bởi thấm trong nắng gió biên thùy là mấy mươi năm Nghiêm Quốc Thanh sống, rất sống, sống nhiều hơn nữa. Bức tranh biên cương đầy khói lửa chợt bừng lên sức sống hồn nhiên như bất chấp những năm tháng đã rất nhọc nhằn.”
Trong sương thương má của tác giả Trương Chí Hùng mang đến một âm hưởng khác biệt về miền đất nơi dòng Cửu Long bắt đầu chảy vào đất Việt. Lợi thế là người đến với thơ trước khi đưa bút sang địa hạt văn xuôi, 19 tản văn làm nên tập sách vừa hiền hòa mà cũng thật bi tráng. Mùa nước nổi miền Tây sẽ hiện ra trước mắt người đọc vô cùng sống động. Những câu chuyện về má, về ba, về những con người giản dị mà mỗi hành động đều thấm đẫm tình thương mang đến thật nhiều xúc cảm sâu lắng. Và như thế, như ô cửa trên chuyến xe văn chương, Trong sương thương má cho chúng ta nhìn về con người và vùng đất miền Tây thật gần, thật chi tiết, thật yêu thương.
Tác giả Trương Chí Hùng chia sẻ: “Những trang văn đầu tiên của cuộc đời, người cầm bút thường viết về má về ba, về thầy cô và những đứa bạn thân, về những kỉ niệm ấu thơ ngập tràn niềm vui lẫn nỗi khốn khó. Tôi thích xê dịch, đôi chân luôn thèm hơi đất mới. Nhưng dù đi đến đâu, tôi vẫn không quên ngôi nhà tuổi thơ giữa mùa nước nổi, khung cảnh lúc hiền hòa lúc dữ dội khi tháng nước về, khúc sông má bơi xuồng chở tôi đi bán bông điên điển, không quên cái nền nhà ba vít đất đắp lên năm này qua tháng khác. Những lúc đang rong ruổi ở nơi xa xôi nào đó, tôi lại chợt thèm về quê, thèm nằm ở hàng ba ngủ một giấc ngon lành. Mỗi trang văn trong quyển sách này có thể xem như lát cắt từ kí ức của một đứa trẻ miền Tây. Đọc Trong sương thương má, biết đâu bạn sẽ bắt gặp khung trời tuổi thơ mình trong đó. Mà tuổi thơ nào cũng chỉ đong đầy khi có má có ba…”