Thời điểm ngày Tết cận kề, nhiều gia đình bắt đầu dọn dẹp và trang trí nhà cửa. Việc vệ sinh nhà ở kết hợp trong thời điểm ô nhiễm môi trường cao điểm có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh về phổi hoặc về da. Đồ dùng trong nhà mặc dù bạn có thường xuyên sạch sẽ đến đâu cũng rất dễ bám bụi, ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây hại. Trong quá trình dọn dẹp, nếu không che chắn và vệ sinh tay chân sạch sẽ, bạn sẽ rất dễ mắc bệnh do vi khuẩn xâm nhập ngược vào cơ thể.
Để bảo vệ sức khỏe khỏi các tác nhân bụi và vi khuẩn, bạn cần chú ý những điều sau.
Ngay cả khi dọn dẹp trong nhà, bạn cũng nên sử dụng khẩu trang và mặc quần áo dài tay. Nhiều người thường có thói quen không che chắn mỗi khi dọn dẹp nhà cửa. Việc làm này sẽ khiến vi khuẩn, bụi bẩn từ đồ đạc xâm nhập vào hệ hô hấp và bám lên da. Hít quá nhiều bụi bẩn dễ làm bạn bị viêm họng hoặc dị ứng. Bụi mốc còn có thể gây ra các cơn hen suyễn ở người có tiền sử mắc bệnh.
Đeo khẩu trang để phòng tránh bụi bay trong không khí và xâm nhập vào mũi. Sau khi dọn dẹp, bạn nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý để loại bỏ bụi bẩn, tránh mắc bệnh vào thời điểm giáp Tết.
Ngoài vệ sinh bằng cách lau chùi bàn ghế, quét mạng nhện...Việc cọ rửa đồ dùng, nhà tắm cũng là việc làm thường thấy trong mỗi dịp dọn nhà. Nhà tắm, gian bếp là những nơi chứa nhiều vi khuẩn mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Việc để tay trần tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa cũng như vật dụng trong nhà khiến bạn dễ mắc các bệnh về da như viêm da cơ địa, nấm da, kích ứng với hóa chất…Không chỉ trong dịp dọn dẹp ngày Tết, bất kỳ khi nào tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa, bạn đều cần đeo găng tay bảo hộ và dưỡng ẩm da tay ngay sau đó.
Không nên tiếc rẻ mà giữ lại các đồ dùng cũ có dấu hiệu mốc, hỏng. Vật dụng trong nhà, nhất là đồ dùng trong bếp chứa nấm mốc có thể gây ra các vấn đề về hệ tiêu hóa và làm tổn thương gan. Nhất là các vật dụng bằng gỗ như thớt gỗ, đũa gỗ...bị mốc hoặc xước đều phải loại bỏ và thay mới.
Ngoài ra các đồ dùng bị sứt mẻ như bát đũa, cốc chén, đồ nhựa cũng nên loại bỏ vì chúng có thể khiến bạn bị thương hoặc đối với đồ nhựa bị vỡ, chúng có thể phóng ra một số chất gây hại khi ở nền nhiệt cao như lò vi sóng.
Vi khuẩn từ nấm mốc và bụi từ đồ dùng trong gia đình có thể tấn công ngược lại bạn- Ảnh minh họa
Sau khi dọn dẹp, cần gom các vật đụng đã cũ và vứt đi nếu không cần thiết. Các đồ điện tử cần được để riêng với vật dụng thông thường.
Người tham gia dọn dẹp cần tắm rửa, vệ sinh cơ thể, giặt sạch quần áo để không tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập ngược vào người.
Nhiều gia đình thường thích pha trộn các loại chất tẩy rửa nhằm giúp cải thiện mức độ làm sạch. Tuy nhiên sự tùy tiện này có thể khiến bạn chịu hậu quả nặng nề.
Bản chất các loại nước tẩy rửa đều là hóa chất. Việc không có hiểu biết cơ bản về kiến thức hóa học có thể gây ra những hậu quả chết người.
Trong quá trình dọn dẹp, tuyệt đối không nên trộn lẫn những "cặp đôi" này với nhau:
- Giấm ăn và thuốc tẩy
- Amoniac và thuốc tẩy
- Thuốc tẩy và thuốc khử trùng chứa thành phần Amoniac tứ cấp (Quaternary Ammonia)
Các sản phẩm có tính axit như giấm ăn không bao giờ được trộn với các sản phẩm tính kiềm, ví dụ như thuốc tẩy. Thậm chí, pha trộn thuốc tẩy của hai nhãn hiệu khác nhau cũng rất nguy hiểm.
Ngoài ra, để bảo vệ tay chân và phần mũi khi hít phải hóa chất, bạn nên dùng bảo hộ khi tiếp xúc với nhóm tẩy rửa này. Cách tốt nhất là nên dùng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như hỗn hợp chanh giấm, baking soda...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn