Không chỉ thớt gỗ, đồ nhựa hay chảo chống dính, ngay cả những vật dụng như miếng bọt biển, lọ đựng gia vị...cũng là những thứ cần được thay mới thường xuyên. Những thói quen sinh hoạt trong bếp tiềm ẩn nhiều mối nguy hại nếu như không biết cách sử dụng.
Miếng bọt biển hay lưới rửa bát là vật dụng dùng để làm sạch bát đũa, hầu như gia đình nào cũng có. Mặc dù có bạn có thể giặt miếng bọt biển thường xuyên để loại bỏ vi trùng, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy những chiếc lỗ trên miếng bọt biển vẫn còn mầm bệnh dù đã làm sạch như thế nào.
USDA khuyến cáo nên thay miếng rửa bát thường xuyên, cần làm sạch và phơi khô sau khi sử dụng.
Thói quen sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn phổ biến ở nhiều gia đình. Hãy kiểm tra trong bếp nhà bạn có chiếc hộp nhựa bị biến dạng, nứt vỡ hoặc có dấu PC không - nếu có, cần loại bỏ vì chúng chứa những chất hóa học có thể ngấm vào thức ăn, gây ra những ảnh hưởng âm thầm đối với cơ thể.
Ngoài ra, một số loại nhựa không nên sử dụng trong lò vi sóng vì các chất độc có thể được phóng ra trong quá trình quay nóng. Hãy tập thói quen sử dụng các nguyên liệu an toàn cho sức khỏe, giảm thiểu những ảnh hưởng đến môi trường.
Đồ nhựa có dấu PC hoặc nứt, vỡ, tốt nhất là nên bỏ đi - Ảnh minh họa
Việc bảo quản thực phẩm dư thừa trong tủ lạnh giúp hạn chế sự sản sinh của vi khuẩn. Tuy nhiên bạn không nên sử dụng thực phẩm trong tủ lạnh quá 3 ngày vì có thể gây ngộ độc thực phẩm, cần tuyệt đối vứt bỏ những loại thực phẩm đã bị ôi thiu, mốc hoặc lên men.
Thức ăn thừa, đặc biệt là rau qua đêm quả thực có thể sản xuất nitrite, nhưng đó không phải là nguyên nhân gây ngộ độc. Thức ăn thừa có thể gây tổn hại tới sức khỏe chủ yếu là do sự hiện diện của vi khuẩn, có thể gây viêm đường tiêu hóa sau khi vi khuẩn phát triển, tình trạng ngộ độc nitrite do ăn đồ ăn qua đêm là rất hiếm.
Trong quá trình lưu trữ rau qua đêm, lượng vi khuẩn xâm nhập còn tùy thuộc vào phương pháp bảo quản. Nếu để rau qua đêm trong tủ lạnh, vẫn có thể ăn an toàn sau 6-24 giờ, nếu để qua đêm ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều thông tin phóng đại mức độ nguy hiểm của thực phẩm để qua đêm, thực tế là không phải vậy. Ăn thức ăn để qua đêm làm tăng nguy cơ bị vi khuẩn tấn công đường ruột.
Mặc dù thực phẩm để đông đá sẽ hạn chế vi khuẩn xâm nhập, tuy nhiên nếu để thực phẩm trong ngăn đá quá lâu, thực phẩm sẽ bị biến chất. Các thực phẩm đã qua chế biến như nem, thịt, cua. có thể bảo quản trên ngăn đá và không sử dụng quá 3 tháng.
Thớt nhựa hay thớt gỗ bị xước đều cần được vứt đi càng sớm càng tốt vì chúng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn xâm nhập.
Dùng thớt bị mốc có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan - Ảnh minh họa
Đũa, thớt, muỗng,… bằng gỗ khi vệ sinh sai cách hoặc bảo quản chúng trong môi trường ẩm ướt sẽ dẫn tới nấm mốc xuất hiện. Chúng là nơi để vi khuẩn phát triển, đặc biệt là khuẩn cầu tụ vàng và E.coli. Ngoài ra, nếu sử dụng thớt gỗ bị mốc có thể sản sinh ra chất Aflatoxin gây hại cho gan, nguy cơ ung thư gan là có thể.
Các miếng phủ tráng teflon dùng để chống dính có thể bị xước và bào mòn trong quá trình đun nấu dưới nhiệt độ cao. Khi chế biến sẽ sản sinh ra khói, khi hít phải có thể gây ra các triệu chứng giống bệnh cúm. Chất chống dính như teflon có nguồn gốc từ polyme Polytetrafluoroethylene PTFE, ở nhiệt độ bình thường thì không có hại. Tuy nhiên, khi đốt nóng 300-500oC thì hợp chất chống dính này sẽ tạo ra lớp khói chứa các Perfluoisobutylene, Perfluorooctanoic Acid PFOA và Carbonylcloride. Nếu hít trong thời gian dài có thể gây tức ngực, khó thở, tăng nguy cơ ung thư và sảy thai.
Do vậy, các gia đình không nên rửa chảo sau khi nấu nhất là khi chảo đang còn nóng. Ngoài ra, không nên dùng cọ sắt, cọ kim loại có thể làm xước lớp chống dính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn