Với hơn 3.260 km bờ biển, Việt Nam là quốc gia có vùng biển lớn đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển và các quốc đảo. Đáng chú ý, trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt, sức ép của tốc độ gia tăng dân số, nhu cầu phát triển kinh tế dẫn đến khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển ngày càng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay biển Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường biển mà nổi cộm nhất là sự ô nhiễm chất lượng nước biển (nhất là khu vực biển ven bờ) và rác thải nhựa.
Từ lâu, công tác bảo vệ môi trường biển đa được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/1018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, song đến nay, thực tiễn có một số bất cập liên quan đến bảo vệ môi trường biển cần được các cấp thẩm quyền có liên quan tham mưu để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong tình hình mới.
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng ô nhiễm biển ven bờ, những thuận lợi, khó khăn và các giải pháp triển khai giải quyết vấn đề ô nhiễm biển ven bờ, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng tổ chức Tọa đàm: "Ô nhiễm môi trường vùng biển ven bờ - thực trạng và giải pháp".
Chương trình có sự tham gia của: Ông Lê Đại Thắng - Chuyên viên cao cấp, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Hoàng Việt Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh; ông Mai Đức Long - Chi cục trưởng Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hải Phòng; ông Phạm Văn Hiếu - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo; ông Nguyễn Mạnh Tuân - Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường T.Đ.A.
Mời quý vị và các bạn đón xem.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn