"Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam"
2 câu thơ này được in trang bìa ngoài của tất cả các măng sét (manchette) của báo Phụ nữ Tân Văn ra đời năm 1929 đã mang đến nhiều cảm xúc với những du khách đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Phụ nữ Tân Văn gợi nhắc lại những giai đoạn sơ khai nhưng vô cùng tự hào khi cách đây 1 thế kỷ, của phụ nữ Việt Nam đã có những tờ báo dành cho giới mình.
Tờ báo đầu tiên dành cho phụ nữ, mở đầu cho dòng báo nữ ở Việt Nam là "Nữ Giới Chung" ra đời 1/2/1918 tại Sài Gòn (nay là TPHCM). Báo do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu) làm chủ bút. "Nữ Giới Chung" mong muốn tờ báo phải là "tiếng chuông thức tỉnh nữ giới" và lần đầu tiên trên báo chí Việt Nam, vấn đề nữ quyền được đưa ra thảo luận một cách trực tiếp và do chính phụ nữ nhận thức và lên tiếng.
Sang đến giai đoạn 1930 đến Cách mạng Tháng Tám 1945, cùng với những đổi thay về xã hội, chính trị của đất nước, vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ, phụ nữ tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc đã trở thành vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Cả nước khi ấy đã có hơn chục tờ báo phụ nữ được xuất bản như: Phụ nữ Tân văn (1929-1935); Phụ nữ Thời đàm (1930-1934); Phụ nữ Tân tiến (1932-1934); Tân nữ Lưu (1935 - 1936), Việt nữ (1937), Phụ nữ Hà Nội (1938 - 1939)…
Cách mạng Tháng Tám thành công cũng là thời điểm đánh dấu sự đi lên không ngừng của báo chí Cách mạng và dòng báo nữ bước sang một giai đoạn mới. Năm 1948, được sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ, một tờ báo dành riêng cho nữ giới đã được ra đời tại căn cứ địa Việt Bắc - Báo Phụ nữ Việt Nam do anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân - Bí thư Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam (nay là Hội LHPN Việt Nam) làm Chủ nhiệm.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975) và từ năm 1975 tới nay, dòng báo nữ tiếp tục phát triển cả về số lượng đầu báo cũng như số lượng người làm báo là phụ nữ. Hòa cùng dòng chảy của báo chí Việt Nam và sự đổi mới, phát triển của đất nước, dòng báo nữ đã có những bước phát triển mới, sinh động về nội dung, lớn mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình từ báo in truyền thống, phát thanh, truyền hình, báo điện tử...
Kể từ ngày tờ báo đầu tiên về nữ giới ra đời, đến nay, xuyên suốt qua hơn 100 năm phát triển, dòng báo nữ Việt Nam luôn khẳng định vị thế, vai trò, góp phần nâng cao nhận thức chung về vấn đề nữ quyền, giải phóng phụ nữ.
Với tờ báo đầu tiên "Nữ Giới Chung", dù chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi (từ tháng 2 đến tháng 7/1918) nhưng các vấn đề về phụ nữ, về nữ quyền bắt đầu được thể hiện công khai trên báo chí thông qua loạt bài: Nghĩa nam nữ bình quyền là gì; Bàn thêm về chữ nữ quyền hay Nữ quyền tự do luận. Tiếp đó, tờ báo "Phụ nữ Tân văn" gây tiếng vang vì đã định hình rõ nét hơn về vấn đề nữ quyền, gián tiếp phản biện các chính sách xã hội liên quan đến phụ nữ. Trong thời kỳ thực dân, đế quốc, các ấn phẩm báo nữ đã góp phần nâng cao nhận thức về nữ quyền, bao gồm quyền bình đẳng về chính trị, quyền bầu cử, ứng cử, quyền lao động, cải thiện cuộc sống...
Ngày nay, dòng báo nữ, trong đó có các ấn phẩm của báo Phụ nữ Việt Nam đã và đang tham gia tích cực phản ánh đời sống, lên tiếng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chị em phụ nữ.
Dù ở thời kỳ nào, dòng báo nữ luôn khẳng định vai trò, vị thế, thông qua các sản phẩm tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, góp phần tuyên truyền về nữ quyền và bình đẳng giới, mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn