Đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo liệu lương hưu có đủ sống?

19:03 | 18/03/2019;
Đến nay, mới có gần 300 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện. Mục tiêu năm 2019 sẽ phải tăng gấp đôi. Tuy nhiên, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo- khoảng 700.000 đồng, thì khi về hưu người lao động khó trang trải đủ cho đời sống.

Bà Nguyễn Thị Thảo, quê Thanh Hóa, trong câu lạc bộ Giúp việc gia đình phường Nhân Chính (Q. Cầu Giấy – Hà Nội), cho biết: Mấy năm qua, năm nào bà và người thân trong nhà cũng mua BHYT cho gia đình, phòng những lúc không may ốm đau, giảm áp lực tiền thuốc men, chữa chạy khi phải đến bệnh viện. Đặc biệt, việc thông tuyến khám chữa bệnh đã tạo thuận lợi cho người lao động di cư có thể khám chữa bệnh tuyến xã ở bất cứ đâu. “Còn BHXH, với chúng tôi thì như giấc mơ xa vời”, bà Thảo ngậm ngùi.

Theo bà Thảo, lao động xa quê phải chắt chiu, gom góp từng đồng để gửi về quê nuôi con. Nhiều chị em cũng hiểu việc tham gia các loại bảo hiểm là để phòng những lúc ốm đau, khi về già có nguồn lương hưu để trông vào. Tuy vậy, “chúng tôi làm tự do, không có hợp đồng lao động, không có cơ hội tham gia BHXH bắt buộc”. Còn BHXH tự nguyện, bà Thảo cho biết nhiều chị em lao động di cư muốn có chế độ ốm đau, thai sản thì loại bảo hiểm này lại không được hưởng.

Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), cho biết: Số lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH rất ít. Theo Tổng cục thống kê, 97,9% lao động khu vực phi chính thức không có BHXH. Đối tượng lao động này không thuộc nhóm được tham gia BHXH bắt buộc. Lựa chọn còn lại của họ chỉ là BHXH tự nguyện. Thực tế hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức. BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ hưởng là hưu trí và tử tuất. Trong khi lao động khu vực phi chính thức lại có nhu cầu rất lớn về chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp.

Cùng với đó, nhiều lao động cho biết “không lựa chọn BHXH vì thời gian đóng quá dài, không phù hợp với những người đã sang tuổi 50 – 60 chờ đợi thêm vài chục năm đến lúc được hưởng lương hưu”.

bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen.jpg
Bảo hiểm xã hội dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều và ngược lại. Ảnh minh họa

 

Theo quy định hiện hành, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện nay là 27,8 triệu đồng).

Theo bà Thu Giang, mức đóng này tạo ra sự linh hoạt cho người lao động chủ động tham gia, tạo nhiều điều kiện hơn cho người có kinh tế eo hẹp cũng có thể tham gia. Tuy nhiên, với mức đóng thấp nhất bằng 22% của chuẩn nghèo vùng nông thôn, câu hỏi đặt ra là “khi về già, người lao động có sống nổi bằng mức lương hưu thấp chỉ vài trăm ngàn đồng?”.

Bà Thu Giang cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ ít nhất 10% cho lao động tham gia BHXH tự nguyện, để họ nâng cao được mức đóng; trên cơ sở đó nâng cao được mức hưởng lương hưu khi về già.

Tại Hội thảo “Chia sẻ về lao động phi chính thức ở Việt Nam” mới đây, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: Đến nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước được hoàn thiện, phạm vi bao phủ được mở rộng ra tất cả các lực lượng lao động, trong đó có lao động khu vực phi chính thức, lao động di cư.

Về chính sách BHXH tự nguyện đã triển khai được 10 năm, đến nay mới có gần 300 ngàn người tham gia. Mục tiêu trong năm 2019 này đạt thêm 300 ngàn người tham gia BHXH tự nguyện, đòi hỏi các cấp các ngành cùng vào cuộc, trong đó có giao nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng địa phương; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao hiểu biết, nhận thức đầy đủ của người dân với loại hình an sinh này.

Về chế độ chính sách của BHXH tự nguyện, ông Trần Hải Nam cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang thiết kế chính sách, thí điểm các gói bảo hiểm ngắn hạn, phương thức đóng linh hoạt, hướng tới đáp ứng được nhu cầu của lao động di cư như chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp…

Với ý kiến mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì mức lương hưu không đủ sống, ông Trần Hải Nam lý giải: BHXH dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng, người đóng cao hương lương hưu cao và ngược lại. Chính sách đưa ra mức đóng thấp để người không có khả năng kinh tế có thể tiếp cận; đồng thời người lao động có thể linh hoạt lựa chọn mức đóng phù hợp, giới hạn mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn