"Đồng chí Nguyễn Thị Thập-cuộc đời và sự nghiệp" (P2)

21:31 | 05/03/2016;
phunuvietnam.vn xin giới thiệu bài viết "Nguyễn Thị Thập với sự nghiệp giải phóng phụ nữ" của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

NGUYỄN THỊ THẬP VỚI SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã góp phần tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ!. Từ các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã sản sinh ra những phụ nữ kiên trung, bất khuất, để lại danh tiếng cho các đời sau như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Hoàng Ngân, Nguyễn Thị Thập, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Chiên, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Út (Út Tịch).

Với sự mở đầu trang sử là cuộc chiến chống quân xâm lăng của Hai Bà Trưng bằng lời thề xuất quân, "Một xin rửa sạch nước thù, Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng, Ba kẻo oan ức lòng chồng, Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này". Vài thế kỷ sau người thiếu nữ Triệu Thị Trinh tự khẳng định là một nhi nữ hào kiệt "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông”… Rất nhiều và rất nhiều các chị, các mẹ đã góp phần làm rạng rỡ sử sách Việt Nam. Nhân kỷ niệm 20 năm đồng chí Nguyễn Thị Thập từ trần, với niềm tôn kính người con ưu tú của đất Tiền Giang, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người lãnh đạo xuất sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bài tham luận xin đề cập tới vai trò của đồng chí Nguyễn Thị Thập với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10 tháng 10 năm 1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho trong một gia đình nông dân nghèo. Bởi nhà nghèo không chạy nổi tiền thang thuốc, má chị đã qua đời ngày 20 tháng chạp năm 1920, khi chị mới 12 tuổi! Má mất rồi, cảnh nhà càng hiu quạnh, cha chị càng lặng lẽ và ít nói, vốn có ít chữ nho và cũng khéo tay, ông sống bằng nghề viết liễn và đan rổ rá. Đêm đêm ông thường gửi tâm sự vào những vần cảm khái của người xưa thay tiếng thở dài: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch. Kỷ độ long tuyền đối nguyệt ma”. Ông hay “nói thơ” Lục Vân Tiên khi ngồi vót nan và đem những gương trung trinh, tiết liệt của các nhân vật trong truyện đời xưa dạy mấy anh em nên sống, cư xử “ở đời sao cho khỏi hổ thẹn với nòi giống và tổ tiên ông bà”. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc đời của chị. Vốn ham mê đọc sách, qua một số sách về cuộc đời hoạt động cách mạng và văn thơ yêu nước của các cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… qua câu chuyện trong gia đình, giữa cha và các anh, chị dần dần hiểu rõ: “Thế nào là cái nhục mất nước”!.  Và rồi chị muốn đi, muốn hoạt động, muốn làm một cái gì đó để cứu nước như cha thường nói.

Mong ước của chị đã sớm thành sự thật. Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng ghi rõ: Về phương diện xã hội thì: “Nam nữ bình quyền”. Điều đó cho thấy, Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng, đấu tranh vì độc lập của dân tộc và quyền lợi của phụ nữ. Ngày 20-10-1930, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được thành lập. Sự kiện lịch sử này thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng về vai trò của phụ nữ trong cách mạng nói chung và vai trò của tổ chức Hội Phụ nữ và đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng.

Noi gương Hai Bà Trưng, Bà Triệu và những phụ nữ anh hùng hào kiệt đã từng: “Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”, trong phong trào Xôviết Nghệ - Tĩnh (năm 1930), ở Nghệ An, Hà Tĩnh có 12.946 chị tham gia phụ nữ giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xôviết ở trên 300 xã. Cũng trong thời gian này, nhiều tổ chức cách mạng đã ra đời như “Công hội đỏ”, “Nông hội đỏ”, các tổ “Tương tế, ái hữu”…nhằm lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia . Chị Nguyễn Thị Thập tham gia tổ chức “Nông hội đỏ”- một tổ chức của Đảng ở Mỹ Tho. Ngày 1-5-1930, chị đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia nhằm đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống ách áp bức của đế quốc, phong kiến.

Tháng 4-1935, chị được bầu vào Xứ uỷ Nam Kỳ. Thế rồi, một lần cuộc họp Xứ ủy bị lộ, Nguyễn Thị Thập bị bắt cùng một số đồng chí. Mặc dù bị địch tra tấn, đánh đập hai tháng trời ở Sở mật thám Ca-ti-na, nhưng chị vẫn trung kiên, một lòng một dạ trung thành với cách mạng. Địch kết án chị một năm tù và đưa về Khám lớn Sài Gòn (tháng 5-1935).

Sau khi ra tù (cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm 1936), chị được Đảng phân công về miền Trung (Mỹ Tho, Bến Tre, Tân An) hoạt động. Chị cùng các đồng chí tham gia vận động Đông Dương đại hội và được phân công trong Ủy ban sưu tập Dân nguyện. Khi đó, ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Đông Dương ngày càng rộng, càng sâu. Chị như cánh chim bay liền không biết mỏi, đi khắp các tỉnh miền Trung Nam Bộ, nay tỉnh này, mai tỉnh khác. Chị thường đi một mình, khuyến khích bà con đưa dân nguyện, viết các bài báo đấu tranh “chống bọn làng xã ức hiếp dân lành” gửi về cho  báo Dân chúng, chị còn vận động quần chúng lập hội, như Hội Tương tế Ái hữu, Hội nhà giàng, vận động tá điền đấu tranh đòi địa chủ giảm lúa ruộng, bớt công sưu công lễ của tá điền – đây là cuộc vận động do Đảng phát động trong nhiều tỉnh lúc đó. Năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, dù đã gần đến ngày sinh nở, chị vẫn thắt khăn, nịt bụng, chỉ huy dân quân, đồng bào trương cờ, biểu ngữ, xông vào cướp đồn Tam Hiệp. Sau khi sinh, chị quyết định gửi con để tiếp tục hoạt động, chị tham gia xây dựng các cơ sở đầu tiên như: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, xây dựng lại cơ sở Đảng, tổ chức nhiều chi bộ... Là người lãnh đạo xuất sắc phong trào phụ nữ những ngày Nam bộ kháng chiến, tham gia Mặt trận Việt Minh nên chị Nguyễn Thị Thập được Đảng phân công phụ trách công tác Phụ nữ để xây dựng các cơ sở quần chúng, củng cố chính quyền cấp xã tạo thành sức mạnh tổng hợp. Vì vậy, đi đến tỉnh nào, chị cũng liên hệ với phụ nữ, tổ chức các đoàn thể quần chúng. Để tổ chức thành lập Hội Phụ nữ Nam Bộ, chị đã cùng các chị trong Ban chấp hành Phụ nữ các tỉnh ra sức củng cố lại tổ chức của mình và triệu tập Hội nghị đại biểu toàn Nam Bộ (có Ban chấp hành Phụ nữ của 14 tỉnh về dự). Từ cơ sở ban đầu này đến cuối năm 1949 đã có đầy đủ Ban chấp hành của 21 tỉnh, nhờ đó phong trào phụ nữ khắp các tỉnh Nam Bộ đều lên mạnh.

Trong lãnh đạo công tác phụ nữ, chị Thập thường chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ, một công tác quan trọng hàng đầu. Với tờ báo Phụ nữ Cứu quốc, rồi mở các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ phụ nữ cho các khu, chị Thập đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ nữ tận tụy, quên mình vì công việc, trở thành những người “đày tớ của nhân dân”, nhiều nữ sinh được đào tạo trong những năm đầu kháng chiến có tinh thần yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và trưởng thành dần trong kháng chiến chống Pháp.

Tháng 8 năm 1945, khi thời cơ “ngàn năm có một” để vùng lên tổng khởi nghĩa đã đến, chị tham gia lãnh đạo quần chúng giành chính quyền tại tỉnh Mỹ Tho. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1-1946), chị được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Nam Bộ được nhân dân cả nước động viên, chi viện sức người, sức của. Chị Nguyễn Thị Thập cùng đoàn đại biểu Nam Bộ ra Bắc họp Quốc hội. Chị từng tâm sự: “Hai lần tôi vượt hiểm nghèo ra Bắc, tìm về cầu cứu Trung ương đều là giữa hai lần Nam Bộ lâm vào tình cảnh nước sôi lửa bỏng” [1]. Đây cũng là thời gian chị thu thập, sưu tầm được nhiều sách, báo tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh, Báo Cứu quốc, tranh, ảnh, ca dao để đem về Nam Bộ.

Trở về Nam Bộ, đến Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên, Bến Tre...chị đã đọc bức Thư của Trung ương gửi đồng bào Nam Bộ bằng tất cả tấm lòng và tình cảm để từ đó, động viên, khích lệ Phụ nữ Nam Bộ, Hội mẹ chiến sĩ (gồm các bà từ 50 tuổi trở lên) tích cực tham gia phong trào “ủng hộ bộ đội”, “nuôi quân diệt giặc”.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, chị được chỉ định là Bí thư Đảng đoàn phụ nữ Nam Bộ, là Hội trưởng Phụ nữ Nam Bộ. Sau khi tập kết ra miền Bắc (1954), chị được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN. Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ II (1956-1961) diễn ra trong bối cảnh miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, song phải ra sức phát triển sản xuất, tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tiến tới thống nhất đất nước. Đại hội diễn ra từ ngày 26 đến 31-5-1956 tại thủ đô Hà Nội. Dự đại hội có 425 đại biểu chính thức, đại diện cho toàn thể phụ nữ các tỉnh, thành của miền Bắc. Đại hội vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự, chúc mừng và chỉ đạo đại hội. Đại hội thông qua điều lệ mới gồm 10 điều và 5 chương trình hoạt động của nhiệm kỳ, đó là: Đoàn kết phụ nữ cả nước để cùng toàn dân phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; Thực hiện nam nữ bình đẳng, giải phóng hoàn toàn phụ nữ; nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho phụ nữ; Mở rộng các hoạt động xã hội để nâng cao đời sống của phụ nữ và nhi đồng; Đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 50 ủy viên, Ban Thường trực Trung ương hội gồm 13 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thị Thập, Ủy viên Trung ương Đảng được bầu làm Hội trưởng.

Năm 1955, chị được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Với kinh nghiệm và tâm huyết với công tác phụ nữ, tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III (3-1961), chị Nguyễn Thị Thập  đã được bầu lại làm Hội trưởng. Đại hội đã phát động phong trào thi đua 5 tốt với các nội dung: Đoàn kết sản xuất, tiết kiệm tốt, chấp hành chính sách tốt, tham gia quản lý tốt, học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật tốt, xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Nam Bộ ngày càng cam go quyết liệt, miền Bắc đã dốc sức chi viện sức người, sức của vì miền Nam ruột thịt đánh Mỹ và thắng Mỹ. Ngày 19 tháng 3 năm 1965, Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” trong giới phụ nữ miền Bắc: đảm đang sản xuất và công tác thay thế chồng, con đi chiến đấu; đảm đang việc gia đình cho chồng con, anh em yên tâm chiến đấu, khuyến khích chồng, con anh em tham gia quân đội và phục vụ lâu dài trong quân đội; đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, luyện tập quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ quân đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu. Chị Thập đã trực tiếp lãnh đạo phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, phong trào đã lôi cuốn hàng triệu phụ nữ tham gia. Tính đến tháng 5-1965 đã có 1.700.000 phụ nữ ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang” góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nươc đến toàn thắng.

Niềm say mê học tập văn hóa và lý luận là một đức tính quý báu của chị Nguyễn Thị Thập. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng chị vẫn dành mỗi tuần 2 buổi cùng một số cán bộ nghe giáo sư Phan Huy Lê giảng dạy về lịch sử Việt Nam. Từ thực tiễn hoạt động trong phong trào phụ nữ cũng như với những kiến thức về lịch sử dân tộc Chị có công lớn trong việc ra đời 2 cuốn sách về “Tổng kết Phong trào Phụ nữ toàn quốc”. Sau ngày thống nhất đất nước, gần 70 tuổi, chị vẫn đi khắp các tỉnh miền Nam để chỉ đạo Tổ sử Phụ nữ Nam bộ, xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và những công trình lớn.

Bà Nguyễn Thị Thập (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện thân mật với các đại biểu tại Đại hội phụ nữ lần thứ IV, tháng 3/1974

Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ, kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương, chị Thập là người tổ chức và lãnh đạo phong trào phụ nữ rất sắc sảo, có nhiều sáng kiến, tập hợp đoàn kết được các lực lượng phụ nữ trong nước, ngoài nước thành một mặt trận phụ nữ rộng rãi và vững chắc, làm trợ thủ đắc lực cho Đảng và Nhà nước trong công tác phụ vận. Chị Thập đã có nhiều cố gắng phát triển phong trào phụ nữ một cách toàn diện. Trong hoàn cảnh có chiến tranh, tờ báo Phụ nữ Việt Nam được phát hành đều đặn, có cả tờ báo dành riêng cho phụ nữ nông dân. Nhà xuất bản Phụ nữ xuất bản nhiều sách với nội dung phong phú. Trường đào tạo cán bộ phụ nữ liên tục mở lớp. Công tác đối ngoại cũng được chị và Đảng đoàn Phụ nữ đặc biệt quan tâm. Ban Liên lạc Quốc tế của Hội LHPN ra bản tin đều đặn bằng ngoại ngữ. Nhiều cán bộ được Hội cử đi các diễn đàn Phụ nữ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của phụ nữ các nước đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Hội cũng mời được nhiều đoàn phụ nữ nước ngoài, kể cả phụ nữ Mỹ, vượt bom đạn, đến thăm hữu nghị Việt Nam. Uy tín của Hội Liên hiệp Phụ nữ và uy tín của chị Mười Thập được nâng cao trong phong trào phụ nữ quốc tế.

Một điểm nổi bật nữa ở sự lãnh đạo sáng suốt của chị Mười Thập là cùng Đảng đoàn Phụ nữ sớm cử cán bộ nữ có năng lực tham gia lãnh đạo ở các bộ, ngành có đông lao động nữ hoặc có khả năng chăm lo cho quyền lợi phụ nữ như Ủy ban bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Hơn nửa thế kỷ chiến đấu liên tục trong đội ngũ Đảng, Chị được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách. Suốt 9 năm kháng chiến: Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Nam Bộ và được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ Nam Bộ. Tập kết ra miền Bắc, trải 20 năm liền, Chị được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ kiêm Trưởng ban Phụ vận Trung ương. Là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa II đến khóa IV, được bầu vào Quốc hội từ khóa I đến khóa VI, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, chị luôn luôn gần gũi với mọi người, quan tâm tha thiết đến quyền lợi của phụ nữ, đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Chị đã đề xuất nhiều chính sách về quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Năm 1985, chị Nguyễn Thị Thập là người phụ nữ đầu tiên được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Nhà nước. Chị còn  được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chị Nguyễn Thị Thập mất ngày 19-3-1996 (tức ngày 1 tháng 2 âm lịch năm Bính Tý 1996) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo di nguyện, chị được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang, cạnh mộ chồng. Với cống hiến của chị - người con ưu tú của Thành đồng Tổ quốc, tên chị được đặt cho các đường phố ở thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) và một số thành phố khác.

Với tình cảm kính trọng và tưởng nhớ đến chị Nguyễn Thị Thập, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam xin hứa với vong linh của Chị tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Bộ Chính trị phát động gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động rèn luyện phẩm chất đạo đức thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa là “Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang” nhằm nối tiếp xứng đáng truyền thống “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu-Đảm đang” để trở thành người phụ nữ Việt Nam “yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu…” góp phần xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh!.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn