Động đất có thể xảy ra đột ngột và không có cảnh báo. Động đất là sự rung chuyển dữ dội và đột ngột của mặt đất, do chuyển động giữa các mảng kiến tạo dọc theo đường đứt gãy trong lớp vỏ trái đất.
Xét theo mức độ của động đất thì động đất được chia thành những trận động đất có độ lớn (độ Richter) M= 4 - 5 là những trận động đất nhẹ. Những trận động đất từ M = 5 - 6 là những trận động đất trung bình. Những trận động đất từ M = 6 - 7 độ là những trận động đất mạnh, những trận động đất từ M = 7 - 8 là những trận động đất lớn, những trận động đất từ M = 8 - 9 là những trận động đất hủy diệt.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong giai đoạn 1998-2017, động đất đã gây ra gần 750.000 ca tử vong trên toàn cầu, chiếm hơn một nửa số ca tử vong liên quan đến thiên tai. Hơn 125 triệu người bị ảnh hưởng bởi động đất trong khoảng thời gian này, nghĩa là họ bị thương, mất nhà cửa, phải di dời hoặc phải sơ tán trong giai đoạn khẩn cấp của thảm họa.
Tại Việt Nam, mặc dù cho tới hiện tại thì động đất không quá lớn như một số quốc gia khác nhưng mối hiểm họa do động đất gây ra với con người không phải là hiếm. Động đất và các dư chấn của các trận động đất dẫn đến sự dịch chuyển đột ngột của mặt đất.
Ngoài nguy cơ sạt lở đất, vùi lấp các cơ sở hạ tầng như nhà ở, thiệt hại lớn về tài sản gồm cơ sở y tế và hệ thống giao thông,... thì các trận động đất (đặc biệt là các trận động đất mạnh) có thể gây ra nhiều rủi ro đối với sức khỏe của người dân tại khu vực xảy ra động đất và vùng lân cận, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Theo Liên minh toàn cầu vaccine và tiêm chủng (GAVI) thì có 3 nguy cơ sức khỏe có thể gặp khi động đất xảy ra mà bạn có thể tham khảo. Tùy thuộc vào mức độ của trận động đất bao gồm cường độ và thời gian kéo dài,...cũng như khả năng tiếp cận y tế sau động đất mà các rủi ro sức khỏe này sẽ có một số sự khác biệt.
Khi các tòa nhà sụp đổ hoặc mọi người bị mắc kẹt, các chấn thương có thể xảy ra với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Đó có thể chỉ là các vết xước, bầm tím nhẹ nhưng cũng có thể nặng như bỏng, gãy chân tay, dập vỡ nội tạng,... thậm chí có những tình huống không được chăm sóc y tế kịp thời có thể dẫn tới mất mạng chẳng hạn do mất nước và hạ thân nhiệt khi nạn nhân mắc kẹt.
Nguy cơ nhiễm trùng vết thương sau động đất cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Khi mà vi khuẩn từ đất và đống đổ nát có thể xâm nhập vào vết thương dẫn tới nhiễm trùng với các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, rỉ dịch vết thương hoặc sưng tấy có mủ, vết thương bốc mùi hôi tanh,.. Trong những trường hợp xấu nhất, nhiễm trùng có thể dẫn tới cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa tới tính mạng hay uốn ván.
- Bệnh truyền nhiễm: Động đất tạo ra môi trường lý tưởng cho các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm lây lan do điều kiện vệ sinh kém, nước và thực phẩm bị ô nhiễm. Có thể kể đến bệnh tả, bệnh tiêu chảy, bệnh sởi, bệnh về đường hô hấp, viêm gan A, viêm gan E, bệnh thương hàn, viêm phổi, bệnh do muỗi truyền nhiễm, ...
- Bệnh lý mãn tính: Người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường hay bệnh tim có nguy cơ gặp các rủi ro sức khỏe cao hơn nếu bị gián đoạn về thuốc men (thiếu thuốc) và các chăm sóc y tế cần thiết, từ đó làm tăng tỷ lệ bị đau tim, đột quỵ, nghiêm trọng hơn các triệu chứng bệnh. Căng thẳng liên quan đến động đất có thể làm tồi tệ thêm các tình trạng như huyết áp cao và bệnh tim mạch.
Hơn nữa, người mắc bệnh mãn tính có thể có hệ miễn dịch kém, có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với người khỏe mạnh.
Sau động đất, nếu nhà cửa bị phá hủy kèm theo sự hoảng loạn khi động đất xảy ra có thể dẫn tới ngủ kém, tâm trạng lên xuống thất thường, lo lắng hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần lâu dài hơn như trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương; đặc biệt với người cao tuổi.
Nhìn chung, động đất làm tăng nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhu cầu về truyền máu, các thủ thuật phẫu thuật do chấn thương và số ca cần chăm sóc tích cực, chăm sóc nhi khoa và sản khoa khẩn cấp thường tăng lên cũng như nhu cầu thiếu máu, suy dinh dưỡng, các bệnh lây truyền qua đường nước như bệnh tả và sốt thương hàn, các bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp như cúm và các tình trạng bệnh lý khác.
Cho đến nay, không có biện pháp để có thể dự báo chính xác được khi nào động đất xảy ra vì thế mà người dân cần trang bị những kỹ năng ứng phó, bảo vệ bản thân khi động đất xảy ra. Theo Brigthside, bạn cần lưu ý những vấn đề sau khi động đất xảy ra:
- Tắt các thiết bị nấu ăn nếu an toàn trước khi tìm chỗ ẩn nấp nếu những thiết bị này có khả năng gây ra hỏa hoạn, bao gồm: Bếp gas, bình gas, lò nướng, lò vi sóng,...
- Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, hãy nhanh chóng lấy gối che đầu và chui xuống gầm giường hoặc nơi an toàn như góc phòng, tránh núp dưới kệ treo tường hay đèn trần, quạt trần.
- Nếu đang lái xe, không nên đỗ xe ở gần cột điện, cây cao, các công trình công cộng có nguy cơ sụp đổ hay những khu vực dốc đứng, trên cầu mà nên di chuyển bình tĩnh, dừng xe bên lề đường, tìm vật che chắn đầu và mắt, không ra khỏi xe cho tới khi động đất dừng lại.
- Nếu đang ở trong trung tâm thương mại hay các tòa nhà cao tầng, tuyệt đối không nên rời khỏi tòa nhà nếu động đất đang xảy ra vì nguy cơ chấn thương cao nếu tường nhà hay kính đổ sập xuống. Thay vào đó, hãy tìm một chiếc bán chắc chắn, luồn người xuống gầm bàn và lấy tay bám chặt chân bàn đồng thời cúi đầu xuống để được che chắn cho tới khi cơn động đất qua đi và có nhân viên cứu hộ hướng dẫn cách di chuyển.
- Nếu động đất xảy ra khi bạn đang ở trong thang máy, cần nằm thẳng lưng ra giữa sàn để phân tán lực tác động lên toàn bộ cơ thể, lấy tay ôm phần đầu. Đợi đến khi thang bắt đầu hoạt động trở lại, bạn hãy thoát ra ở tầng gần nhất và sử dụng cầu thang bộ.
- Động đất ở khu vực bãi biển có thể kích hoạt sóng thần, do vậy mà khi cơn rung lắc do động đất xảy ra cần nhanh chóng di chuyển tới nơi cao hơn mực nước biển.
- Trong trườn hợp bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, cần giữ nguyên vị trí, hạn chế di chuyển tránh hít phải khí độc và bụi. Nếu có thể hãy dùng quần áo để che miệng và tìm cách tạo ra âm thanh thu hút sự chú ý của cứu hộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn