Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, Andalou Agency, đưa tin, số người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 2.921, với 15.834 người bị thương, nâng tổng số người chết lên hơn 4.300, tính cả những người tử vong ở Syria.
Con số thương vong do thảm họa động đất lớn nhất trong thế kỷ qua được dự đoán còn tiếp tục tăng. Nhiều người được cho là đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà bị sập.
Một chiến dịch cứu hộ quy mô lớn đang diễn ra khắp nơi Thổ Nhĩ Kỳ, mọi người đang cố gắng giải cứu những người sống ở các thành phố lớn, nơi mà hàng ngàn nạn nhân đang bị kẹt trong các đống đổ nát. Tuy nhiên, có những qua ngại khi toàn bộ nguồn lực đổ dồn về các khu dân cư thì gia đình họ hàng của những người sống ở các ngôi làng gần tâm chấn lo sợ họ sẽ không nhận được sự giúp đỡ kịp thời.
Vào lúc 5 giờ sáng thứ Hai, gần 40 phút sau trận động đất đầu tiên xảy ra ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, Mete Bayramoglu, 33 tuổi, nhận được một cuộc gọi cầu cứu tuyệt vọng từ chú của mình ở Sekeroba, một ngôi làng có khoảng 8.000 dân. Sekeroba cách thành phố Kahramanmaras 24 dặm, gần tâm chấn. Người chú kể rằng ông bà, anh em họ của Bayramoglu đều đang bị mắc kẹt trong nhà.
Ông Bayramoglu nói qua điện thoại: “Chú tôi vừa gọi điện vừa khóc, khẩn thiết nhờ tôi giúp vì tất cả bọn họ đều bị mắc kẹt và chưa có ai đến làng để giúp đỡ. 10 phút sau tôi gọi lại thì máy bận, từ đó đến nay tôi không liên lạc được với người nhà nữa. Tôi không biết họ sống chết ra sao”.
Nhờ bạn bè gửi video qua WhatsApp, ông Bayramoglu thấy ngôi làng giờ chỉ còn là một đống đổ nát sũng nước. Xung quanh là sình lầy còn sót lại sau cơn bão đêm qua. Chỉ trong 2 ngày, ngôi làng bé nhỏ đã phải hứng chịu liên tiếp nhiều thảm họa.
Nuray Kabatas, 29 tuổi, sống ở thành phố phía nam Gaziantep, cũng không thể liên lạc với người thân đang sống ở những ngôi làng gần đó.
Cô Kabatas nói, rất khó để đến được những ngôi làng xa xôi trong điều kiện thời tiết này. Vì vậy, cô và nhóm bạn quyết định tự mình đi giải cứu, họ khởi hành từ Gaziantep vào sáng thứ Hai để cố gắng tìm kiếm các thành viên gia đình của họ.
“Đã vài giờ trôi qua kể từ trận động đất và rất nhiều người đang tìm kiếm người thân của họ”, cô kể lại. “Các hoạt động cứu hộ đang tập trung ở thành phố, khi họ đến được các ngôi làng thì có thể đã quá muộn”.
Đứng trước tình huống này, chính phủ các nước trên khắp thế giới đang gấp rút gửi thêm các đội cứu hộ quốc tế để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Liên minh châu Âu đang khẩn trương cử các đội tìm kiếm và cứu hộ từ Bulgari, Croatia, Cộng hòa Séc, Pháp, Hà Lan, Ba Lan và Romania tới Thổ Nhĩ Kỳ để trợ giúp. Chính quyền cũng đang điều khiển hệ thống vệ tinh để lập bản đồ trận động đất và đo lường hậu quả.
Ngoài khối Liên minh châu Âu thì các quốc gia lớn khác như Hy Lạp, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga cũng đang gấp rút gửi viện trợ.
Một phần lâu đài Gaziantep (thời La Mã) của Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy. Đây là di tích được bảo tồn tốt nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Người ta lo ngại trận động đất sẽ làm sập và hư hại một loạt các di tích vô giá khác tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có những di tích cổ xưa quý giá nhất trên thế giới.
Trong khi đội cứu hộ đang nỗ lực giải cứu người mắc kẹt trong một tòa nhà ở Malatya, một thành phố lớn ở khu vực phía đông Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ, tòa nhà này bất ngờ sập xuống. Một nhân chứng đã quay lại khoảnh khắc tòa nhà sụp đổ.
Một nhóm truyền hình cùng với các nhân viên tìm kiếm và cứu nạn địa phương đã chạy đến nơi an toàn khi những cơn địa chấn làm sập một tòa nhà dân cư. Đám mây bụi phủ kín mặt đất.
Trận động đất thứ hai xảy ra chưa đầy 12 giờ sau trận đầu tiên, ảnh hưởng đến người dân ở các thành phố lớn trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn