Giúp phụ nữ đơn thân vượt khó, thoát nghèo
Gia đình chị Háng Seo Mỷ (SN 1979) ở thôn Lùng Sán Chồ, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai), là một trong số hàng chục hoàn cảnh khó khăn nhất ở xã được Đồn biên phòng Tả Gia Khâu hỗ trợ gần 3 năm qua với 200 cây xoài giống đang phát triển xanh tốt.
Vừa chỉ lên phía triền đồi có vườn xoài nhà chị Mỷ, Đại uý Tẩn Sành Nhàn - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu đã thoăn thoắt bám vào vạt cây, vách đá leo lên con dốc trơn trượt sau mưa cùng cháu Sùng Seo Minh (16 tuổi) - con trai chị Mỷ để kiểm tra, hướng dẫn tỉ mỉ cho cháu Minh cách làm cỏ, chăm sóc từng gốc cây xoài đang độ lớn.
Là hộ gia đình phụ nữ đơn thân, căn nhà chị Mỷ nằm ven đường liên xã, lợp mái proximăng được che chắn bằng nhiều tấm bạt cũ. Trong căn nhà trống hoác, những tia nắng yếu ớt rọi xuống góc nhà. Khắp nhà chị Mỷ không có đồ vật gì đáng giá ngoài mấy bộ quần áo cũ, cùng vài thùng đựng hạt bắp đang chờ trời nắng để phơi khô. Chị Mỷ để dành nấu mèn mén cho các con ăn khỏi bị đói.
Theo trưởng thôn Lùng Sán Chồ Vàng Seo Pao: Chị Háng Seo Mỷ là hộ nghèo nhiều năm của thôn. Chồng chị Mỷ mất cách đây hơn 10 năm do bạo bệnh, để lại 4 đứa con, đứa nhỏ nhất khi đó còn đang trong bụng mẹ. Năm 2013, vùng này bị trận mưa đá lớn, nhiều nhà bị đổ sập, nhà chị Mỷ cũng không tránh khỏi tai hoạ. Địa phương và bộ đội biên phòng đã giúp mẹ con chị dựng lại nhà, lợp mái proximăng để có chỗ ở. Cũng từ đó đến nay, mình chị nuôi 4 miệng ăn đang tuổi lớn quá chật vật. Cậu con trai lớn là Sùng Seo Minh phải nghỉ học khi đang học lớp 7, để đi làm thuê cùng mẹ nuôi các em. Hàng ngày chị Mỷ lên nương rẫy làm cỏ, chăm vườn cây. Có ngày 2 mẹ con chị và cháu Minh đi làm thuê phát nương, phát cây, làm cỏ cho nhiều nhà, được 20 nghìn đồng/ngày".
Tại thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát là địa phương được lựa chọn để triển khai mô hình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động. Cứ đều đặn mỗi tháng, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Trịnh Tường lại xuống tận thôn để cùng với người dân tham gia lao động sản xuất, giúp dân trồng chuối, trồng dứa để bà con giảm bớt phần nào khó khăn. Bà Phàn Lở Mẩy, thôn Tân Tiến, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, chia sẻ: "Ngày trước nhà mình nghèo lắm, có đi làm bên Trung Quốc, nhưng từ lúc được bộ đội biên phòng giúp đỡ trồng chuối, giờ nhà tôi chỉ làm ở nhà cũng đủ ăn rồi, không phải đi làm thuê xa nhà nữa".
Nhờ bộ đội biên phòng, cuộc sống của phụ nữ các xã vùng biên đổi thay
Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được triển khai ở xã biên giới Tả Gia Khâu hay Trịnh Tường giống như luồng gió thổi tới làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của chị em phụ nữ nơi đây. Bằng những việc làm cụ thể, và những cách làm sáng tạo, hiệu quả, bộ đội biên phòng ở nhiều địa phương đã tạo điểm tựa cho phụ nữ phát huy vai trò chủ động, tích cực trong xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình "5 không, 3 sạch", làm đổi thay lớn trong cuộc sống của phụ nữ các xã vùng biên giới của tỉnh Lào Cai.
Theo Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Lào Cai, "Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được triển khai xuống từng đơn vị ngay từ khi mới phát động. Các đồn Biên phòng phối hợp với Hội LHPN các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn biên giới nhanh chóng vào cuộc. Bằng nhiều hoạt động thết thực, từ việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ, xóa mù chữ, vận động trẻ em bỏ học quay trở lại trường lớp; hướng dẫn phụ nữ phát triển kinh tế; phòng, chống mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; bạo lực gia đình; các tệ nạn xã hội; phong tục tập quán lạc hậu; phụ nữ đi khỏi địa phương, xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê...
Nhiều xã được chọn như Dìn Chin (Mường Khương), Trịnh Tường (Bát Xát) được hỗ trợ trong chương trình đã hạn chế được số trẻ em bỏ học. Đồng thời, bộ đội biên phòng đã hướng dẫn phụ nữ tổ chức cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới như: mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, ma túy, tội phạm; xuất cảnh trái pháp luật qua biên giới...
Trong 3 năm qua (từ 2018 -2020), Chương trình "đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã hỗ trợ mô hình sinh kế chăn nuôi, trồng trọt tại xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), Nàn Sán (huyện Si Ma Cai) với tổng giá trị 200 triệu đồng vốn vay không tính lãi, từ nguồn tin nhắn ủng hộ chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương cho 20 gia đình hội viên, phụ nữ.
Kết nối với Hội LHPN tỉnh Thái Bình hỗ trợ mô hình trồng mận cho 27 hội viên phụ nữ xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương với tổng giá trị 54 triệu đồng. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trao tặng 15 máy khâu và nhận bao tiêu sản phẩm cho tổ phụ nữ may thêu thổ cẩm thôn Ngải Chồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát với tổng giá trị 30 triệu đồng, các đồn Biên phòng đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ đã tặng 30 con trâu, bò, ngựa, 50 con lợn, 200 con gà, 10.000 gốc chuối, cam giống, 16 tấn phân trị giá 300 triệu đồng góp phần hỗ trợ cho gia đình hội viên phụ nữ có nguồn thu nhập ổn định, phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hoạt động hỗ trợ cơ sở vật chất cho các xã thuộc chương trình được các đơn vị biên phòng Lào Cai đặc biệt quan tâm, vì đây là các xã khó khăn. Đến nay đã có 6 mái ấm tình thương được xây dựng tặng hội viên phụ nữ nghèo tại xã Trịnh Tường (Bát Xát), Nàn Sán (Si Ma Cai) với tổng giá trị hỗ trợ 48 triệu đồng góp phần giúp gia đình hội viên an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các đơn vị đã hỗ trợ 36 nhà vệ sinh cho gia đình hội viên phụ nữ các xã Tung Chung Phố, Y Tý với tổng giá trị 100 triệu đồng.
Bộ Chỉ huy Biên phòng Lào Cai cho biết: Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" ở Lào Cai đang bước tiếp sang giai đoạn mới, trong năm 2021, các đơn vị biên phòng Lào Cai sẽ tiếp tục cùng nhân dân và phụ nữ ở các xã biên giới xây dựng kinh tế, xã hội ở biên cương thêm bền vững, góp phần cùng người dân ở biên giới gìn giữ từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ Quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn