Được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), dự án nhằm cung cấp nước và điện bền vững cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Indonesia.
Aulia đóng vai trò là chuyên gia phân tích kỹ thuật về điện khí hóa nông thôn. Cô lạc quan về sự phát triển của các nhà máy điện mặt trời tại Indonesia, tin rằng chúng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng sâu vùng xa bằng cách cung cấp nguồn điện với giá phải chăng.
Aulia sinh ra tại Bandung và lớn lên tại Bekasi, Tây Java. Cô theo đuổi ngành kỹ thuật thay vì khoa học xã hội theo định hướng của bố mẹ.
Cô kể: "Trong những năm học trung học, bố mẹ hướng tôi đến các khóa học kỹ thuật vì cho rằng bằng khoa học xã hội sẽ khó tìm được việc làm. Lúc đầu tôi cũng do dự nhưng cuối cùng tôi quyết định theo đuổi ngành kỹ thuật điện tại Học viện Công nghệ Bandung. Quyết định của tôi hoàn toàn được bố mẹ ủng hộ".
Trong quá trình học, Aulia nhận thấy rõ sự thiếu đại diện của phụ nữ trong ngành kỹ thuật điện. Không có giảng viên nữ, không có trợ giảng hay giám sát viên phòng thí nghiệm là nữ, ngay cả cơ sở vật chất cũng thiếu tiện nghi dành cho nữ giới. Các hội thảo hầu hết được dẫn dắt bởi nam giới.
Những diễn giả nữ chỉ xuất hiện trong các dịp đặc biệt và thường nói về việc cân bằng giữa sự nghiệp và thiên chức làm mẹ. Sự thiếu đại diện này khiến Aulia suy nghĩ về tương lai của mình trong ngành điện và việc cô có thể thành công trong một lĩnh vực do nam giới thống trị như vậy không.
Động lực khiến Aulia chọn làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đến từ hai lý do quan trọng. Thứ nhất, cô nhìn nhận đây là cơ hội nghề nghiệp ổn định vì điện là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Thứ hai, Aulia cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc trong công việc của mình.
Dữ liệu từ Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia cho thấy, vào năm 2020, có 55% sinh viên tốt nghiệp ngành STEM ở nước này là nữ. Trên thế giới, theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2023, phụ nữ chiếm 29,2% lực lượng lao động STEM tại 146 quốc gia được đánh giá, so với tỷ lệ gần 50% ở các ngành nghề không phải STEM.
Bất chấp tỷ lệ vượt trội về số lượng phụ nữ tốt nghiệp các ngành STEM ở cấp độ đại học của Indonesia, phụ nữ nước này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khi tham gia thị trường lao động.
Với Aulia, việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống khá dễ dàng vì cô độc thân. Cô tin rằng, phụ nữ đã kết hôn và có con có thể theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo vì có nhiều vai trò khác nhau trong lĩnh vực này, từ kỹ sư thực địa đến cố vấn văn phòng và nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Thách thức cân bằng giữa công việc và gia đình có thể gặp phải ở cả nam giới và nữ giới đã kết hôn. Aulia mong muốn những phụ nữ còn nghi ngờ về việc chọn ngành năng lượng tái tạo để theo đuổi sự nghiệp hãy tin vào khả năng của mình.
Đây là một lĩnh vực đáng để theo đuổi vì tiềm năng đóng góp vào những thay đổi tích cực và có ý nghĩa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn