Theo đó, bà Nguyễn Thị Giang Hương được xác định đã không trung thực trong việc kê khai sản, thu nhập qua các lần kê khai tài sản, thu nhập; quanh co, đối phó, che giấu nguồn gốc số tiền chưa kê khai, không cung cấp cho tổ xác minh tài sản, thu nhập các hồ sơ liên quan đến việc sở hữu các tài sản đã kê khai trong bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương làm những việc pháp luật không cấm nhưng ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, địa phương và vai trò tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm nêu gương của đảng viên.
Vi phạm của bà Nguyễn Thị Giang Hương là nghiêm trọng, tạo dư luận xấu trong xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm sút uy tín bản thân, uy tín Huyện ủy, UBND huyện Nhơn Trạch.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 39 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch.
Căn cứ Kết luận số 53-KL/UBKTTU, ngày 6/5/2024 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy về xác minh tài sản, thu nhập đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, đề nghị thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương.
Qua kiểm điểm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nhận thấy, bà Nguyễn Thị Giang Hương có khuyết điểm, vi phạm: “kê khai tài sản không trung thực”, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai đã xem xét kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị Giang Hương theo thẩm quyền.
Theo Nghị định 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định của pháp luật.
Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất thì cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13 (áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức), Điều 14 (áp dụng hình thức kỷ luật bãi nhiệm đối với cán bộ), Điều 19 (áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức) Nghị định này.
Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý.
Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về đảng cao nhất thì cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật đảng viên trước khi quyết định.
Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn