Để hiểu rõ hơn về việc triển khai thực hiện Dự án 8 tại Đồng Nai, Báo PNVN có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
+ PV: Thưa bà, tình hình đồng bào dân tộc tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có những điểm gì nổi bật?
Bà Lê Thị Thái: Là tỉnh phát triển công nghiệp, Đồng Nai có dân số khoảng trên 3 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có trên 198.000 người; chiếm 6,4% dân số toàn tỉnh.
Đồng bào các dân tộc thiểu số sống rải rác, xen kẽ ở địa bàn các huyện, thành phố và chủ yếu sống tập trung đông ở khu vực nông thôn, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Hiện nay, có một bộ phận người dân tộc thiểu số sinh sống và làm việc tại các trung tâm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một số ít thành phần dân tộc sống tập trung thành làng như: Dân tộc Chơro, Mạ, X'tiêng, Chăm, Tày, Nùng. Đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp.
Bà con sống gắn bó đoàn kết, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, tập quán, lễ hội, phong tục... tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc. Qua triển khai thực hiện các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy cơ cấu kinh tế, đời sống của đồng bào ngày càng phát triển.
+ PV: Đến nay, việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao và đã đạt được những kết quả cụ thể nào?
Bà Lê Thị Thái: Nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi định kiến, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn giới thiệu những nội dung của Dự án 8 và tuyên truyền nâng cao nhận thức thực hiện pháp luật về bình đẳng giới cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 7 xã thuộc các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất và TP. Long Khánh. Trong đó có 700 chị là ủy viên Ban chấp hành, Chi hội trưởng, Chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó các Chi hội/tổ phụ nữ, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số tham dự.
Hội viên, phụ nữ phát biểu tại "Hội nghị đối thoại với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023"
Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 289/KH-ĐCT ngày 28/04/2023 của Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam về tổ chức Cuộc thi Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần thứ nhất năm 2023 với tên gọi "Lắng nghe con nói", Hội LHPN tỉnh Đồng Nai đã triển khai đến các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ địa phương tham gia. Kết quả có 80 tác phẩm tranh và 9 tác phẩm clip dự thi. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức chấm vòng sơ khảo cấp tỉnh và chọn gửi về Hội LHPN Việt Nam 30 tác phẩm tranh của cá nhân và 9 tác phẩm clip của tập thể.
Vào ngày 28/9 vừa qua, Hội LHPN tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Định Quán năm 2023 với sự tham gia của 100 chị là cán bộ chi hội/tổ phụ nữ, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số.
+ PV: Bà có nói đến Hội nghị đối thoại với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Vậy thông qua hội nghị, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số có nguyện vọng, mong muốn gì?
Bà Lê Thị Thái: Hội nghị đối thoại với hội viên, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 do Hội LHPN tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức.
Qua Hội nghị, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số có nguyện vọng, mong muốn cụ thể tập trung vào những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, ứng dụng công nghệ thông tin, vay vốn phát triển kinh tế gia đình; đề xuất xây dựng khu vui chơi, mở các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em địa phương; hỗ trợ để hạn chế trẻ em người dân tộc thiểu số bỏ học; các giải pháp để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3; hỗ trợ chính sách khám thai định kỳ, sinh đẻ tại cơ sở y tế cho phụ nữ người dân tộc thiểu số; tăng tỷ lệ cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số tham gia vào lĩnh vực chính trị.
Ngoài ra, hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng có mong muốn được thường xuyên tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, pháp luật hôn nhân gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình…
+ PV: Trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Đồng Nai sẽ làm gì để việc triển khai Dự án 8 tiếp tục đạt được hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù tại địa phương?
Bà Lê Thị Thái: Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chuyển đổi hành vi trong đồng bào dân tộc thiểu số và đội ngũ cán bộ các cấp về bình đẳng giới; phối hợp tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em gái để bảo vệ và chăm sóc phụ nữ và trẻ em nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Hội LHPN tỉnh Đồng Nai cũng sẽ phối hợp cùng các ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Dự án 8, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu cụ thể của Dự án đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
"Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2022 của Thủ tưởng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, giai đoạn II: Từ năm 2023 - 2025, gồm 9 Dự án thành phần, trong đó giao Hội LHPN tỉnh chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 24 xã (khu vực I) thuộc 7 huyện, thành phố (TP. Long Khánh, các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ) là địa bàn triển khai thực hiện Dự án 8. Trong thời gian qua, việc triển khai Dự án 8 được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm, hỗ trợ".
Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Nai
Trân trọng cảm ơn bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn