Đầu tuần không thấy bà đi làm, mọi người trong cơ quan gọi điện không thấy nhấc máy, đến nhà giáo sư mới biết bà đã qua đời.
Trước sự ra đi của người cha đẻ vaccine made in Việt Nam, những đồng nghiệp của bà không ai là không khỏi bàng hoàng, thương xót.
“Chồng bị bệnh hiểm nghèo và mất khi cô mới hơn 40 tuổi, mình cô lo cho 2 con ăn học. 2 con lớn lên đi du học ở Đức nên cô chỉ có một mình. Khi cô mất, không có người thân bên cạnh”, chị Trần Thị Bích Hạnh, Phó Trưởng phòng Kiểm định chất lượng của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) - không cầm được nước mắt nhớ về người đồng nghiệp tài năng, tâm huyết.
Chị Hạnh kể, GS Luân rất thẳng thắn. Trong quá trình làm việc, ai có lỗi gì, bà nói ngay. “Cô bảo mình nói mọi người chẳng vì tư thù, mà chỉ mong cùng tiến bộ. Tôi thấy đúng, vì cô nói xong rồi chẳng hề để bụng”.
Nhắc đến GS Luân, bất kỳ ai ở Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế cũng nhớ ngay đến hình ảnh một nữ GS hàng ngày đi xe đạp và xách cặp lồng cơm đi làm.
TS Nguyễn Thị Quỳ, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm kể: "Tôi cũng mang cơm đi làm. Đến giờ ăn, chúng tôi cùng ăn và trao đổi ý tưởng nghiên cứu. GS Luân rất đam mê nghiên cứu khoa học, có thể làm thâu đêm nếu thí nghiệm còn dang dở. Nếu công việc chưa xong, thứ bảy và Chủ nhật, GS vẫn đến cơ quan".
GS.TS Lê Thị Luân (đứng) có 24 năm làm công việc nghiên cứu vaccine |
Trong nhóm nghiên cứu, cô thường chủ trì định hướng và trình bày tại Hội đồng khoa học, sau đó chúng tôi làm theo định hướng đã được duyệt. Chỗ nào chưa được thì tiếp tục bàn bạc, nghiên cứu. Cô mất đột ngột, chúng tôi hụt hẫng lắm, chị Hạnh xót xa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là người đã nhiều lần làm việc cùng GS Luân trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vaccine, đánh giá rất cao tài năng và đức độ cũng như những đóng góp của GS Luân.
“GS Luân là nhà khoa học tận tâm, say mê với công việc, thực hiện nhiều công trình nghiên cứu khoa học có ý nghĩa với ngành y. Đặc biệt, với vaccine Rotavin-M1. GS Luân cùng tập thể Trung tâm đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 3 trên thế giới có thể sản xuất loại vaccine này”.
Tận tụy với công việc là vậy, GS Luân còn rất gần gũi với các đồng nghiệp. “Cô Luân thường xuyên động viên chúng tôi và gia đình. Bởi cô hiểu phụ nữ làm khoa học rất vất vả, nếu gia đình không tạo điều kiện thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ" - Chị Hạnh cho hay.
Cũng chính vì thế mà những ngày lễ Tết hay giỗ chạp, đồng nghiệp luôn rủ nhau đến nhà GS Luân để cùng dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn.
Trước khi qua đời, GS Luân cùng tham gia thực hiện 3 đề tài, gồm: Sản phẩm quốc gia về vaccine bại liệt bất hoạt; Nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh Tay chân miệng; Nghiên cứu về chủng thứ hai của virus rota. Ngoài ra, GS Luân còn có nhiều ý tưởng khác nhưng chưa triển khai được.
PGS. TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm cho biết, trước mắt Trung tâm sẽ gặp một số khó khăn, bởi có nhóm nghiên cứu GS Luân đang làm chủ nhiệm. Do đó, sau khi làm tang lễ cho GS Luân, Trung tâm sẽ bàn bạc và giao nhiệm vụ cho một số cán bộ trong cơ quan để tiếp tục thực hiện các công trình nghiên cứu; đồng thời cũng báo cáo Bộ Y tế để được hỗ trợ, giải quyết khó khăn trong quá trình thực hiện.
Năm 1980, GS Lê Thị Luân (SN 1962, ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đậu Đại học Y Hà Nội, ngành Đa khoa Nội nhi, sau đó chuyển sang học ngành Vi sinh, tốt nghiệp loại giỏi. Năm 1989, bà về công tác tại phòng Kiểm định thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ. Năm 1994, bà làm việc tại phòng Kiểm định vaccine thuộc Trung tâm Khoa học sản xuất vaccine Sabin. Năm 1998, bà được giao nhiệm vụ giám sát bệnh tiêu chảy do rotavirus tại Việt Nam. Tháng 5/2012, vaccine Rota-M1 phòng bệnh tiêu chảy do bà làm Chủ nhiệm đề tài đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào sử dụng. Năm 2013, bà được tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Năm 2014, bà được tặng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Theo ước tính của các chuyên ra, với vaccine Rotavin-M1 phòng bệnh tiêu chảy do GS Luân nghiên cứu và sản xuất thành công, mỗi năm Việt Nam sẽ giảm được khoảng 7.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi; giảm 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 140.000 lần trẻ phải nhập viện. Đặc biệt, Rotavin-M1 có chi phí thấp, chỉ khoảng 300.000 đồng/liều, bằng 1/3 so với giá vaccine ngừa virus tiêu chảy nhập khẩu. |