Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ngày 11/7, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, các khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh gồm: 04 bệnh viện tuyến tỉnh, 01 bệnh viện chuyên khoa phổi, 08 Trung tâm Y tế tuyến huyện; 02 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 triệu chứng vừa và nặng; 02 cơ sở cách ly y tế tập trung chuyển thành bệnh viện dã chiến tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Quân khu 9 cho phép trưng dụng Bệnh viện Quân dân y thành bệnh viện dã chiến.
Sở Y tế Đồng Tháp cũng cho biết, công tác thu dung điều trị cho bệnh nhân điều trị Covid-19 trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là khu vực phía Nam sông Tiền khi hiện nay các bệnh viện có khả năng làm nơi thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của khu vực này đều đang bị phong tỏa (Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện Quân dân y); Đồng thời, các đơn vị điều trị Covid-19 sẽ thiếu nhân lực đáp ứng về hồi sức cấp cứu nếu ở cấp độ cao.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, khó khăn hiện nay của Đồng Tháp là dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp, số ca mắc tăng cao với nhiều ca mắc trong cộng đồng, chưa rõ nguồn lây; Số ca tử vong nhiều, phần lớn người cao tuổi, có bệnh nền, năng lực hồi sức cấp cứu không đáp ứng kịp nhu cầu, người bệnh có triệu chứng ngày càng nhiều. Các chuyên gia nhận định, sắp tới, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh có khả năng sẽ còn tăng cao; nguy cơ cao bùng phát dịch nếu thực hiện không nghiêm, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của địa phương khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở mức cao để khống chế, ngăn chặn mầm bệnh lây lan rộng. Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương, khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, Chỉ thị 15/CT-TTg cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ và nhất quán; đồng thời tăng cường hoạt động truyền thông cho người dân nắm, chia sẻ và đồng thuận.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đồng ý đề xuất thực hiện cách ly F1 tại nhà của Đồng Tháp. Đồng thời, đề nghị địa phương khẩn trương áp dụng ngay; chia sẻ, học tập kinh nghiệm chống dịch từ các địa phương khác.
Đối với những khó khăn trong công tác điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế sẽ điều động khẩn cấp lực lượng y, bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa TƯ Huế, chi viện cho Đồng Tháp hỗ trợ công tác điều trị của tỉnh.
Thứ trưởng Sơn cũng yêu cầu Tổ hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế tại Đồng Tháp tiếp tục hỗ trợ, kiểm soát phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nhà trọ, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, truy vết thông qua các tổ tự quản cộng đồng.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh, toàn tỉnh đang dồn lực nhằm khống chế, ngăn chặn dịch lan rộng, tập trung cao độ để kiểm soát với tốc độ nhanh nhất, khả năng cao nhất; tỉnh đã chuẩn bị nhiều kịch bản, phương án, kể cả trong tình huống xấu nhất; đồng thời đề nghị bà con nhân dân tiếp tục đồng lòng, thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành chức năng, nhất là tuân thủ 5K theo khuyến cáo của ngành y tế.
Cũng liên quan đến dịch Covid-19 tại Đồng Tháp, trước đó UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 339/UBND-THVX về việc thắt chặt cách ly xã hội trong phòng chống dịch tại một số địa phương. Theo đó, từ 00h ngày 11/7/2021, áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với TP.Sa Đéc và các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh trong vòng 15 ngày trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ấp cách ly với khóm/ấp, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố.
Yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa dịch vụ thiết yếu, cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ, làm việc tại cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang và các cơ sở nêu tại mục 6 của văn bản này. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu khác; dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa. Hạn chế tối đa hoạt động các phương tiện cá nhân.
Cơ sở sau đây được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế, gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); ngân hàng, kho bạc; các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải tạm dừng hoạt động.
Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 3 ngày hoặc xét nghiệm Realtime RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong thời hạn 5 ngày hoặc giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn