Dòng tiền lớn đáo hạn ngân hàng
Những tháng cuối quý III, những ý kiến kì vọng về việc dòng tiền đáo hạn tiết kiệm ngân hàng, dòng tiền "chạy ra" từ ngân hàng sẽ chảy vào thị trường bất động sản hoặc chứng khoán.
Năm 2022, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng tăng cao, nằm ở mức 9 đến 12%, lãi suất cao cho những khoản gửi kỳ hạn 6 đến 12 tháng. Lãi suất huy động cao nên dễ hiểu vì sao dòng tiền lớn đổ vào ngân hàng, một nhân viên ngân hàng cho biết: "Dân tình đổ xô đi gửi tiết kiệm, chúng em chẳng cần phải mời, cứ ngồi im là có khách gửi tiền". Theo thống kê từ chứng khoán Yuanta Việt Nam và nhiều nguồn thống kê khác, lượng tiền gửi này rơi vào khoảng 500.000 tỉ đồng.
Hiện tại, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, hầu hết các ngân hàng đều ở mức dưới 7%. Dòng tiền lớn có kỳ hạn ở năm 2022 sẽ đáo hạn vào nửa cuối của năm 2023 này. Với mức lãi suất thấp, khi thị trường ảm đạm kéo dài, nhiều chuyên gia, những người liên quan kì vọng dòng tiền này sẽ chảy vào thị trường bất động sản. Với nửa triệu tỉ đồng, nhiều người cho rằng dòng tiền này đủ sức để làm ấm trở lại thị trường. Tuy nhiên, với những diễn biến chuyển động của thị trường bất động sản từ đầu năm tới nay, có thể thấy những kì vọng nói trên chưa thành hiện thực. Thị trường bất động sản vẫn rất ảm đạm.
Theo thống kê từ Hiệp hội môi giới Bất động sản, thị trường đã sụt giảm lượng giao dịch lên đến 80% trong giai đoạn cuối 2022 kéo dài sang nửa đầu năm 2023. Nhiều chuyên gia từ hiệp hội chung ý kiến rằng thị trường bất động sản đang thực sự khó khăn, trong đó có việc khủng hoảng về niềm tin.
Có tiền không biết đầu tư vào đâu
Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi nhìn diễn biến thị trường, không ai có quyết định "xuống tiền" với bất động sản trong thời gian này. Anh Minh Tuấn - một nhà đầu tư bất động sản và cũng là người vừa rút tiết kiệm ngân hàng cho biết: "Lãi suất giảm thấp quá, việc gửi tiếp ở thời điểm này hay đầu tư cái khác là điều nhiều người cân nhắc. Thời gian dịch kéo dài là thời gian sống chậm hơn, ai cũng tích lũy thêm được nhiều kiến thức đầu tư, tỉnh táo hơn, tâm lý phòng thủ chặt hơn. Sau dịch, chỉ đất nền bùng lên được một dạo, một vài người lướt sóng nhanh thì thắng.
Hiện tại, thị trường ảm đạm như vậy thì không thấy tiềm năng tăng giá ở phân khúc nào. Bất động sản hiện chỉ thấy cắt lỗ, nên chẳng ai dại gì đi đổ tiền vào bất động sản ở thời điểm này. Hiện tâm lý các nhà đầu tư là tham khảo những nguồn bất động sản giảm giá, nhưng lại tiếp tục chờ xem giá có xuống tiếp không để bắt đáy".
Nhiều kế sách, phương án gỡ khó cho bất động sản đã được thực hiện, nhưng các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục phản hồi về việc vẫn khó ở cả 2 khía cạnh bao gồm tiếp cận vốn và rào cản pháp lý. Nguồn cung thấp, giá nhà đất tăng cao, nhóm những người có tích lũy, có tiền gửi ngân hàng có nhu cầu mua nhà ở cũng chưa dễ để mua. Lí do là lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay chưa giảm sâu theo, những người muốn vay để mua nhà ở cũng đều đang cân nhắc.
Chị Ngân (quận Đống Đa) chia sẻ: "Tôi có khoản tiền 2 tỉ đồng đang gửi ngân hàng, trước đây có thể chỉ cần vay 1 tỉ là mua được nhà, giờ thì muốn mua căn chung cư càng gần vào nội đô càng tốt như mong muốn của tôi phải vay tầm 2 tỉ đồng. Với lãi suất cho vay chưa giảm được nhiều như hiện tại, tôi cũng chưa dám vay, nên sẽ gửi tiếp vậy".
Nguyễn Thắng - nhà đầu tư tài chính: Với những khoản tiền gửi đáo hạn ngân hàng ở thời điểm này, tôi cho rằng ít người chọn đầu tư cả bất động sản hay kênh chứng khoán, cũng ngại đầu tư kênh trái phiếu. Gửi tiếp dù lãi suất không cao vẫn là lựa chọn chắc chắn, yên tâm. Nếu đầu tư, nhà đầu tư nên cân nhắc thật kĩ, bởi hiện có rất nhiều kênh, nhiều hoạt động mời gọi đầu tư hứa hẹn lãi suất cao nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Tiền trong dân vẫn còn nhiều" là câu vẫn hay được nhắc đến của giới tài chính. Bất động sản ảm đạm, dòng tiền cũng không đổ vào chứng khoán, bởi chứng khoán liên tục biến động, thời gian gần đây lại giảm nhiều hơn tăng. Trái phiếu sau nhiều lùm xùm cũng khiến nhiều người e ngại. Lãnh đạo một công ty bất động sản xin giấu tên cho biết: "Tôi cũng không hiểu sao nhiều người kì vọng dòng tiền đáo hạn này chảy vào bất động sản. Thực tế là người có tiền gửi vào ngân hàng là nhóm người ít có "máu" đầu tư, là nhóm có tâm lý tích lũy, ăn chắc nhiều hơn. Tình hình kinh doanh của các công ty xây dựng, bất động sản vẫn đang bết bát lắm".
Lãi suất thấp nhưng không có "cửa" nào sáng cho việc đầu tư. Qua khảo sát nhanh, nhiều người chọn việc gửi tiếp tiền vào ngân hàng cho yên tâm. Kì vọng vào một dòng tiền chảy vào cứu thị trường, làm ấm lại thị trường bất động sản vẫn chưa thành, ít nhất là ở thời điểm này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn