2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Bộ VHTTDL đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ trong năm 2025, trong đó đáng lưu ý là 3 nhiệm vụ tương ứng với 3 lĩnh vực mà Bộ quản lý.
Theo đó, về văn hóa, Bộ chú trọng triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam có tiềm năng, có dư địa phát triển; khuyến khích sự sáng tạo trong văn hóa, văn học nghệ thuật gắn với đặc trưng của Việt Nam và thời đại. Trong phát triển công nghiệp văn hóa, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp giữ vai trò triển khai thực hiện, đội ngũ sáng tạo giữ vai trò thiết kế sản phẩm, nội dung.
Về thể thao, tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Đầu tư phát triển thể thao quần chúng; Hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026;
Tập trung chuẩn bị lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Bahrain, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.
Về du lịch, triển khai Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch tại các thị trường nguồn trọng điểm của du lịch Việt Nam.
Một hệ thống các văn bản pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch đồng bộ là cơ sở để chúng ta thực hiện chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, khơi thông nguồn lực cho thể thao, tạo hành lang thông thoáng cho du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL
Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120-130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỉ đồng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, phát triển thể thao phải dựa trên 2 trụ cột: Thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Thể thao quần chúng phát triển theo chiều rộng, lấy đó là cơ sở thu hút lực lượng có thể phát triển thể thao thành tích cao. Thể thao thành tích cao phát triển theo chiều sâu, qua đó phát triển kinh tế thể thao.
Trong du lịch, Bộ trưởng cho rằng phải thay đổi tư duy làm xúc tiến du lịch, phải thật sự có chiều sâu và chuyên nghiệp. Tính toán kỹ những gì cần làm, thị trường và cách làm đảm bảo hiệu quả. Các cuộc xúc tiến do Bộ VHTTDL tổ chức phải thể hiện đẳng cấp quốc gia, có quy mô lớn, hiệu quả cao. Du lịch phải xây dựng điểm đến an toàn, sản phẩm đa dạng, thu hút khách du lịch.
Để hoàn thành nhiệm vụ, theo lãnh đạo các cục, vụ, cần hoàn thiện thể chế, xác định thể chế là khâu đột phá.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, năm 2025 ngành Văn hóa phải hoàn thiện thể chế vì thể chế cũng là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", đột phá của đột phá, nguồn lực cho sự phát triển...
Một lĩnh vực còn yếu đối với ngành là quản trị thông minh. Muốn quản trị thông minh phải đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa".
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTTDL
Để làm được điều này phải có những giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Trước mắt, thời gian tới cần đẩy mạnh thể chế cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để có những cơ chế đặc thù cho các văn nghệ sĩ và cho đào tạo; cần tiếp tục tháo gỡ "điểm nghẽn" về thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư, thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển văn hóa.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở lấy ví dụ với hệ thống thiết chế văn hóa, tại các trung tâm văn hóa, mỗi địa phương có chính sách hoạt động khác nhau. Vì vậy cần có chính sách chung trong vận hành, quản lý các thiết chế tại các địa phương.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng.
Minh chứng là các đêm diễn "cháy vé" của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi với doanh thu lớn. Điều đó cho thấy giá trị của sự sáng tạo kết nối hiện tại và tạo sức bật cho văn hóa trong tương lai.
Vì thế, chúng ta không còn hoài nghi về việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
Bà Phương cho rằng, công việc trước mắt cần thực hiện ngay là sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị định ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất cho những doanh nghiệp văn hóa cũng như luật đầu tư, tài trợ, hiến tặng để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho lĩnh vực văn hóa.
Ông Phạm Cao Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cho rằng, mỗi cục, vụ có chức năng tham mưu quản lý nhà nước phải chủ động, quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong việc rà soát các văn bản pháp luật điều chỉnh phạm vi lĩnh vực quản lý, phát hiện kịp thời những bất cập và chủ động tham mưu đề xuất việc sửa đổi, bổ sung theo đúng tinh thần chỉ đạo về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Đặc biệt cần rà soát những quy định cấm hiện nay trong luật, dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Coi công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ đầu tiên cần thực hiện.
Đối với các đơn vị được phân công chủ trì xây dựng các văn bản pháp luật của ngành phải nghiên cứu, thực hiện đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác xây dựng văn bản, luôn gắn chặt với những vấn đề thực tiễn, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những "điểm nghẽn" có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu ngành VHTTDL cần tập trung thực hiện trong năm 2025:
- Tạo đột phá về thể chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…
- Đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện các thiết chế VHTTDL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.
- Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành; có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao; có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê; khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.
- Huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.
- Nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.
- Xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…
- Tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VHTTDL.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn