Trong thời gian qua, việc triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã đạt được kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Hội LHPN Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội đã tập trung xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, định hướng hoạt động trọng tâm năm 2024 và tập trung hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng kế hoạch. Đồng thời, phát huy được vai trò, sự tham gia của các bộ, ngành liên quan phối hợp chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Dự án gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực triển khai, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động, mô hình cốt lõi của Dự án; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em và thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi với nhiều hình thức phong phú, một số hoạt động được tổ chức với quy mô cấp toàn quốc/vùng miền.
Đặc biệt, đã tập trung triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng các mô hình, hoạt động tại địa bàn chỉ đạo điểm, với 6 lớp tập huấn, 9 cuộc truyền thông/giao lưu tại các tỉnh Quảng Bình, Bình Phước, Thanh Hóa, Điện Biên. Tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động tại địa bàn chỉ đạo điểm Dự án cấp Trung ương.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai Dự án vẫn còn gặp những hạn chế, vướng mắc nhất định. Trong đó có thể kể đến như Công tác phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh với các sở, ngành có nơi chưa chặt chẽ, còn lúng túng. Một số chỉ tiêu, hoạt động của Dự án khó thực hiện, như: Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và Mô hình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân mua bán người trở về khó thực hiện do không có/hoặc có ít đối tượng; mô hình Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản không thực hiện được do vướng quy định.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó trưởng Ban điều hành Dự án 8, cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các tỉnh/thành đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chỉ tiêu của Dự án, một số chỉ tiêu của dự án vượt so với kế hoạch, tiêu biểu như củng cố/thành lập mới "Địa chỉ tin cậy cộng đồng", "Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị"; nhiều tỉnh đã đạt và vượt một số chỉ tiêu của dự án. Đặc biệt. Hội LHPN 10 tỉnh, thành phố tự chủ ngân sách đã tổ chức nhiều hoạt động, đạt được những con số ấn tượng về chỉ tiêu của dự án.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, các hoạt động của Dự án 8 bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của những người có uy tín tại cộng đồng, trưởng thôn, bản trong thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân.
Đề việc triển khai Dự án đạt được kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền đề nghị Hội LHPN các tỉnh/thành cần tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, cần chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện Dự án tại địa phương. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện Dự án 8, phát hiện các vấn đề phát sinh tại các cấp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ, đôn đốc tiến độ triển khai.
Đồng thời, phối hợp với Trung ương Hội tiến hành đánh giá một số nội dung của Dự án 8 và rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết đang đặt ra đối với phụ nữ và trẻ em làm cơ sở đề xuất nội dung, giải pháp thực hiện Dự án giai đoạn tiếp theo.
Kết quả tthực hiện các chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 tại 40 tỉnh được phân bổ ngân sách từ Trung ương trong 6 tháng đầu năm 2024:
+ Tổ truyền thông cộng đồng: thành lập 1.001 tổ, nâng tổng số tổ lên 8.624/9.000 tổ, truyền thông cho 368.302 người dân tại cộng đồng (đạt 95,8% chỉ tiêu giai đoạn 1).
+ Địa chỉ tin cậy: thành lập, củng cố 347 địa chỉ, nâng tổng số lên 1.809/1000 địa chỉ tin cậy, hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 49.339 phụ nữ, trẻ em, vượt chỉ tiêu giai đoạn 1.
+ Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi: thành lập và duy trì 424 câu lạc bộ, nâng tổng số câu lạc bộ lên 1.556/1800 câu lạc bộ, tuyên truyền cho 113.610 trẻ em, đạt 86,4% chỉ tiêu giai đoạn 1.
+ Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ các Tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã: Tính đến 10/5/2024 các tỉnh đã hỗ trợ 135/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã, đạt 27%.
+ Nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống chính trị:
- Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo: Tính đến 10/5/2024, các tỉnh đã tổ chức tập huấn về kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 2.611/2.000 cán bộ nữ, vượt chỉ tiêu giai đoạn 1;
- Nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị: tổ chức 21 cuộc tập huấn cho cán bộ huyện, xã, nâng tổng số cuộc lên 271/480 cuộc cho 13.179 cán bộ, đạt 56,5% chỉ tiêu giai đoạn 1; tổ chức 180 cuộc tập huấn cho trưởng thôn/bản, người có uy tín tại cộng đồng, nâng tổng số cuộc lên 750/1600 cuộc tập huấn cho 41.614 người, đạt 46,8% chỉ tiêu giai đoạn 1;
- Hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ các cấp: tổ chức 88 cuộc, nâng tổng số cuộc lên 321/600 cuộc cho trên 16.716 cán bộ các cấp, đạt 53,5%.
+ Tổ chức đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, với 677 cuộc, nâng tổng số cuộc lên 1.822/4.400 cuộc, thu hút 105.844 người tham gia, đạt 41,4 % chỉ tiêu giai đoạn 1.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn