Dự án phát triển ẩm thực của đồng bào Thái đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp

12:12 | 29/10/2018;
Dự án “Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng và chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái - Tây Bắc” đã xuất sắc vượt qua nhiều dự án khác để dành giải nhất nhóm cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần thứ 4.
Đây là dự án do nhóm tác giả Đặng Thị Huyền Mi, Nguyễn Xuân Tùng và Vì Xuân Thủy thực hiện.
 
Khi nhắc đến ẩm thực của đồng bào Thái ở vùng núi Tây Bắc, không thể không nhắc đến những món nước chấm lạ, hấp dẫn và mang nét đặc trưng rất riêng nơi đây như tương, mắm ớt, chẩm chéo… Trong đó, loại đặc sản đóng vai trò linh hồn trong ẩm thực Tây Bắc, đặc biệt là ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái đó là chẩm chéo ăn với gà nướng.
 
Đa phần các món nướng đều mang hương vị đặc trưng của đồng bào Thái ở vùng núi cao được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên. Hiểu được điều đó và mong muốn giới thiệu với nhiều người về những sản phẩm đặc trưng bản địa và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, Huyền Mi cùng cộng sự đã thành lập Công ty Cổ phần thực phẩm Taidam Relish chuyên kinh doanh sản phẩm gà nướng và chẩm chéo đặc trưng của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
 
Giải nhì nhóm cuộc thi thuộc về dự án “Xây dựng nhà truyền thống dân tộc Mông - Hòa Bình và Khôi phục ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong” của Sùng Y Xía (Hòa Bình). Giải ba thuộc về dự án “Nón xơ dừa” của Nguyễn Phúc Sang (Bến Tre).
 
img_0610.JPG
Dự án “Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng và chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái - Tây Bắc” đạt giải nhất nhóm và giải nhất cá nhân thuộc về dự án “Du lịch phát triển tài nguyên bản địa - Dự án C2T” của Võ Văn Phong (Bến Tre). 
 
 
Trong khi đó, giải nhất cá nhân thuộc về dự án “Du lịch phát triển tài nguyên bản địa - Dự án C2T” của Võ Văn Phong (Bến Tre). Giải nhì là dự án “Bảo tồn nhân rộng phát triển thương mại hóa Sa Sâm Việt tại tỉnh Bến Tre” của Phù Tường Nguyên Dũng (Bến Tre) và dự án ” Trái cây cuộn nhãn hiệu Tư Bông” của Nguyễn Thị Các Thủy (Đồng Tháp). Giải ba được trao cho dự án “Sản xuất và chế biến các sản phẩm từ củ ấu” của Nguyễn Anh Thy (Đồng Tháp) và dự án “Kora Group - Thực phẩm dược liệu bản địa” của Bền Chí Thịnh (Kon Tum).
 
Ban tổ chức cũng trao 6 giải khuyến khích cho 6 dự án thuộc hạng mục nhóm và cá nhân. Ngoài ra, còn có 12 dự án được Công ty Cổ phần Vinamit và Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu tặng suất học bổng nước ngoài về khởi sự kinh doanh. 8 dự án của thanh niên dân tộc thiểu số nhận học bổng trọn gói “Khát vọng khởi nghiệp bừng sáng bản làng” của Ủy ban Dân tộc.
 
Được phát động từ tháng 5/2018, cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4 do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) cùng các đối tác chiến lược tổ chức đã thu hút 159 dự án, ý tưởng nộp hồ sơ tham gia, tăng gần 30% so với cuộc thi lần 3 năm 2017. Các đề tài dự thi đều đáp ứng được tiêu chí theo chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”. Đặc biệt, trong số 34 dự án lọt vào vòng chung kết thì có tới 11 dự án khởi nghiệp do các bạn trẻ người dân tộc thiểu số thực hiện.
 
Sau nhiều năm tổ chức, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp được xem là bệ phóng để các dự án khởi nghiệp nông nghiệp phát triển, đưa sản phẩm chất lượng đến với người tiêu dùng nhiều hơn. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn