Trong tuần qua, giá thịt lợn ở 3 miền có xu hướng giảm giá hoặc đứng giá sau một thời gian dài tăng nóng. Đến hôm nay, 9/1, giá thịt lợn ở miền Bắc tương đối im ắng, đà giảm giá đã chững lại ở mức 83.000 đồng/kg. Tương tự, miền Trung - Tây Nguyên cũng khá im ắng, biến động giá không nhiều như những ngày vừa qua, mà giao dịch trong khoảng 80.000 - 85.000 đồng/kg.
Còn tại khu vực miền Nam, thịt lợn (heo hơi) tiếp tục giảm, có nơi giảm 6.000 đồng/kg; dao động quanh mức từ 78.000 - 85.000 đồng/kg.
Nhìn lại quá trình leo thang giá thịt lợn, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, trung tuần tháng 12/2019, giá bán lẻ thịt lợn loại ngon nhất đã lên 230.000 đến 250.000 đồng/kg, tăng hơn 50% so với trước khi dịch bùng phát. Việc "vỡ trận" thịt heo vào thời điểm cuối năm 2019, cận kề Tết Canh Tý tác động không nhỏ tới túi tiền của người tiêu dùng; và kéo theo việc tăng giá của hàng loạt các hàng hóa thiết yếu khác như gà, thịt bò, cá tươi, phở… tăng giá từ 5 đến 10%.
Theo ông Phú, điều đáng nói ở đây là vai trò của cơ quan chức năng cần phân tích thấu đáo để rút ngay bài học cần thiết cho kì phục vụ tiếp theo Tết 2020 và các năm sau. Ông Phú phân tích: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ tháng 2/2019 đến nay, số lượng lợn bị tiêu hủy hàng triệu con, hầu hết các tỉnh đều bị dịch. "Nhưng trong những tháng qua, không có những đề xuất một cách cụ thể để bù đắp lượng thịt heo bị tiêu huỷ". Đặc biệt, vấn đề nhập khẩu thịt lợn "vẫn đang loay hoay xem nhập khẩu bao nhiêu, đánh thuế thế nào, và doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập thịt heo…", ông Phú nói.
Ông Vũ Vinh Phú nêu quan điểm: "Vấn đề bình ổn giá thịt heo đã không đạt được kết quả như mong muốn". Bình ổn giá là phải chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hóa từ khi chưa có dịch xả ra chứ không phải bình ổn giá chủ yếu bằng những công văn giấy tờ mà không tổ chức thực hiện một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả.
Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam.
Hệ thống Thương vụ tại các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ... đã tích cực triển khai hoạt động kết nối giao thương, kết quả đã có khoảng trên 50 doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu mở rộng thêm đối tác nhập khẩu thịt lợn từ phía Việt Nam.
Do giá thịt lợn lên cao nên nhu cầu tiêu dùng tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020 sẽ giảm nhẹ khoảng 5 - 10% so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao khoảng 300.000 tấn/ngày. Như vậy, trong các tháng Tết, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của cả nước khoảng 600.000 tấn.
Trước mắt, dịp Tết Nguyên đán đã cận kề, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tăng cao sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thị trường. Dự báo giá thịt lợn trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Lân, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), cho biết: Giá lợn hơi trong nước có thể tăng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán.
Nhưng dự báo "giá lợn hơi trong năm 2020 khó tăng mạnh", thậm chí có chiều hướng giảm do dịch tả lợn châu Phi dần được khống chế; đàn lợn ở các trang trại lớn về cơ bản được đảm bảo; các doanh nghiệp chủ động nguồn nhập khẩu; người chăn nuôi tái đàn thành công… Mặt khác, nguồn cung các loại thịt gia súc khác, gia cầm, thủy hải sản ở trong nước được đảm bảo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn