Theo bác sĩ Chu Thủy, Bệnh viện nhân dân số 4 Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc), đổ mồ hôi là hoạt động bài tiết của da qua tuyến mồ hôi. Đây là một biểu hiện sinh lý rất bình thường của cơ thể con người. Đổ mồ hôi chủ yếu có 2 tác dụng: tản nhiệt, bài tiết nước - nói cách khác là điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và cân bằng nước.
Ngoài ra, đổ mồ hôi cũng có thể góp phần vào quá trình thải độc của cơ thể dù rất nhỏ. Cơ quan thực sự chịu trách nhiệm thải độc của cơ thể con người là thận, phổi và hệ thống tiêu hóa. Hoạt động đổ mồ hôi thực sự không có tác dụng lớn trong việc này.
Bác sĩ Chu nhấn mạnh, dù có tác dụng bài tiết và thải độc nhưng không có nghĩa là đổ mồ hôi càng nhiều thì thải độc càng tốt hay bạn càng khỏe mạnh. Ngược lại, những người đổ mồ hôi quá nhiều hay quá ít (thậm chí không thể đổ mồ hôi) đều dễ tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe. Trừ các trường hợp đổ mồ hôi nhiều do đang vận động mạnh, môi trường quá nóng hoặc thực hiện tắm/xông hơi.
Cũng theo giải thích từ bác sĩ Chu, các đặc điểm của mồ hôi như lượng, mùi, màu hay vị trí, thời điểm đổ mồ hôi ở mỗi người có thể khác nhau. Đó là do khác biệt từ tuyến mồ hôi, thể trạng, thói quen vận động, tuổi tác, môi trường…
Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng dù bạn ở độ tuổi hay giới tính nào, dù mùa đông hay hè mà đổ mồ hôi theo 6 kiểu này thì cần sớm đi thăm khám:
Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
Đổ mồ hôi vào mỗi đêm một cách bất thường rất có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Phổ biến nhất là ung thư hạch, ung thư xương, ung thư máu… Đặc điểm của nó là ban ngày bạn có thể không hoặc đổ ít mồ hôi nhưng cứ ban đêm lại đổ nhiều mồ hôi, ngay cả khi môi trường ngủ mát mẻ. Mồ hôi thường đổ ướt lưng và thậm chí là toàn bộ cơ thể, liên tục trong thời gian dài. Đổ mồ hôi đêm do ung thư thường đi kèm với sụt cân, mệt mỏi, đau nhức, ớn lạnh…
Đổ mồ hôi tay khó kiểm soát
Nếu lòng bàn tay luôn trong tình trạng ẩm ướt do mồ hôi, bạn cần cảnh giác rằng đó có thể là do chứng tăng tiết mồ hôi ở tay. Tình trạng này là do tuyến mồ hôi ở tay tiết ra quá nhiều mà không chịu tác động của nhiệt độ bên ngoài. Bệnh nhân có thể kèm theo mồ hôi bất thường ở bàn chân, nách và bẹn. Những bộ phận tiết mồ hôi này dễ bị viêm da, mẩn ngứa và một số bệnh tật khác.
Đổ mồ hôi lạnh
Đổ mồ hôi lạnh là tình trạng cơ thể đột nhiên vã mồ hôi nhiều kèm theo cảm giác ớn lạnh, da lạnh, ẩm và dính, vị trí thường gặp nhất là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân. Đổ mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim - biến chứng đe dọa tính mạng do tắc nghẽn mạch vành nuôi tim. Nếu đi kèm đổ mồ lạnh và sợ lạnh, chóng mặt, đói, hồi hộp thì cũng có thể là do vấn đề liên quan tới lượng đường trong máu.
Đổ mồ hôi nửa người
Đừng chủ quan nếu bạn bị đổ mồ hôi bất thường chỉ ở nửa bên phải hoặc bên trái cơ thể. Đó rất có thể là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ, nhất là với những người cao huyết áp hoặc mỡ máu cao. Tốt nhất là nên đến ngay khoa thần kinh của bệnh viện để được kiểm tra kịp thời, không được chậm trễ.
Đổ mồ hôi rất nhiều ở lưng
Nếu bạn bị đổ mồ hôi lưng ngay cả khi mát mẻ, ngồi một chỗ hay nằm ngủ dù ban đêm hay ban ngày thì nên đi khám. Nhất là nếu các bộ phận khác không gặp tình trạng tương tự. Đây có thể là do mất cân bằng hormone, làm rối loạn chức năng vùng dưới đồi, dẫn đến gia tăng thân nhiệt. Tình trạng này thường gặp trong một số bệnh nội tiết như cường giáp (dư thừa hormone tuyến giáp), tiểu đường (thiếu hụt insulin), hạ đường huyết…
Chỉ đổ mồ hôi ở đầu
Đặc điểm của kiểu đổ mồ hôi này là phần đầu rất dễ đổ mồ hôi, da vùng đầu - mặt - cổ có thể mẩn ngứa nhưng toàn thân lại không đổ mồ hôi. Hiện tượng này thường gặp ở người mắc bệnh về thần kinh, nhất là rối loạn lo âu. Cũng có thể là do bệnh gan hoặc mạch máu. Ngoài ra, nếu nó xảy ra ở người lớn đi kèm sụt cân, đau nhức, sốt, mệt mỏi kéo dài thì cũng có thể do ung thư khiến cơ thể rối loạn chức năng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn