Du học 'mất công' vì yếu ngoại ngữ

11:23 | 03/09/2015;
Hạn chế về ngoại ngữ đang khiến sinh viên Việt Nam gặp khó khăn khi giao tiếp trong quá trình học tập và sinh sống nơi đất khách, theo nhận xét của Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại ĐH Swinburne (Úc).
Hạn chế về ngoại ngữ khiến không ít sinh viên Việt Nam rơi vào trạng thái thụ động khi đi du học. (Ảnh minh họa)

Bạn Trần Tuấn, hiện là Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại ĐH Swinburne (VISS), TP Melbourne, Úc, cho biết: "Điểm yếu nhất của sinh viên Việt Nam là tiếng Anh kém. Nhiều bạn rất khó khăn trong việc nghe giảng, thậm chí không đặt được câu hỏi với giáo viên do không hiểu bài. Cộng với việc không quen cách làm việc theo nhóm, không thạo cách viết luận bằng tiếng Anh, nhiều bạn liên tục bị điểm kém và trở nên chán nản, việc học trở thành một gánh nặng”.
Ngoài ra, theo Tuấn, do từ nhỏ đã quen với phương pháp học tập thụ động kiểu thuộc lòng hay "thầy đọc trò chép", không được khuyến khích đặt câu hỏi... nên nhiều bạn mang thói quen đó lên đến bậc đại học.
Tuấn cho hay đó cũng là nhận xét của một số giáo viên nước ngoài: Trong các buổi học thực hành, đa phần sinh viên Việt Nam thụ động ngồi nghe và thường co cụm ở những hàng ghế phía dưới, rất ít khi họ trao đổi hay đặt câu hỏi với thầy cô. Đó là "tình trạng tệ hại". Bên cạnh việc không quen với phương pháp giáo dục mới là sự khác biệt về văn hoá ứng xử, thậm chí dẫn đến mâu thuẫn với sinh viên quốc tế càng khiến sinh viên Việt Nam dễ bị stress trong học tập. Đã có một số trường hợp bị khủng hoảng tâm lý phải về nước.

“Có những bạn có phông ngoại ngữ tốt cộng với tính cách mở, hoạt bát. Ngay từ khi học cấp 3 họ đã rất năng động trong các hoạt động của trường, có nhiều kinh nghiệm làm trưởng nhóm/đội trưởng, sang đây vẫn tích cực tham gia các hoạt động của trường cũng như cộng đồng. Những bạn này thường vượt qua sự khác biệt văn hoá và hoà nhập dễ dàng hơn, có khi chỉ sau 1 kỳ học. Nhưng đa số thuộc kiểu thứ hai, do tiếng Anh chưa hoàn chỉnh nên e dè, ngại giao tiếp. Các bạn SV này thường thuê nhà chung nhau hoặc ở nhờ nhà người thân trong khu đông người Việt, cách xa trung tâm hoặc xa trường. Họ cảm thấy sống như thế rất dễ dàng lúc mới sang, vì ở đó thậm chí họ không cần phải nói tiếng Anh. Nhưng điều này sẽ khiến họ không có hứng thú giao tiếp với SV quốc tế cũng như người bản xứ; họ chỉ muốn học xong rồi đi làm thêm kiếm tiền, hoặc chui vào phòng riêng ngồi trước máy tính”, Tuấn chia sẻ.

Tuấn cho rằng, các bạn này đã tự hạn chế tầm nhìn và những cơ hội để thực hành tiếng Anh của mình nên càng khó hòa nhập. Ngay cả trong việc làm thêm, những SV kém tiếng Anh thường chỉ nhận được công việc có chủ là người Việt Nam và được trả lương thấp hơn nhiều so với chủ người Úc, người Thái hay Malaysia. “Chẳng hạn phục vụ quán ăn VN (là công việc phổ biến của sinh viên Việt ở đây) họ chỉ nhận được 9 - 10 đô Úc/giờ, trong khi lẽ ra họ có thể được trả ít nhất 17 đô Úc/giờ trong một nhà hàng Úc”, Tuấn đưa ví dụ.

Chủ tịch Hội SV Việt Nam tại ĐH Swinburne đưa lời khuyên: "Muốn nhanh chóng hòa nhập và tự tin học tập một cách độc lập ở nước ngoài thì trước hết các bạn trẻ cần chuẩn bị vốn tiếng Anh thật tốt. Hãy đọc, tìm hiểu để có nhiều thông tin nhất về đất nước mà mình sắp đến du học. Quyết tâm bứt ra khỏi tâm lý ngại thay đổi và chỉ thích "co" lại trong một nhóm bạn VN. Hãy tham gia nhiều hoạt động để có cơ hội rèn luyện tiếng Anh giao tiếp, tương tác với sinh viên quốc tế và SV Úc nhiều hơn".



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn