Du khách quốc tế đến Việt Nam: 10 đến, 1 trở lại!

17:28 | 27/12/2017;
Năm 2017, Việt Nam đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với năm ngoái. Thế nhưng, con số thống kê cũng cho thấy chưa đến 10% khách du lịch quay trở lại và lượng tiền du khách “xài” ở Việt Nam cũng rất ít ỏi.

Năm ngoái, số liệu thống kê cho thấy có 70% du khách quốc tế không quay trở lại sau chuyến du lịch đầu tiên tại Việt Nam. Khi ấy, giới chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại do con số ấy nói lên một thực tế, là chất lượng cũng như nội dung du lịch của Việt Nam còn quá nhiều “vấn đề”, nhất là rất thiếu sức hấp dẫn, khiến khách quốc tế mang tâm lý “đi thử một lần cho biết, rồi… thôi!”.

1.jpg
Du khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục trong năm 2017

 

Năm nay, con số thống kê về lượt khách quay trở lại còn ít hơn hẳn. Nếu căn cứ vào báo cáo của Tổng cục Du lịch thì chỉ có 20% khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. Còn nếu căn cứ theo số liệu từ các chuyên gia độc lập, thì tỷ lệ ấy chỉ khoảng 5-6%.

Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) đưa ra con số lượng khách du lịch quay lại VN chỉ chiếm khoảng 6%. Ngay cả với khách nội địa, chỉ 24% đến thăm các điểm du lịch lần thứ 2 và chỉ 13% đến lần thứ 3.

So sánh với các quốc gia khác trong khu vực, thì đó là con số cho thấy sự thua kém rất xa: Thái Lan có lượng du khách quốc tế quay trở lại từ 2 lần trở lên chiếm 82%, còn với Singapore là tới 89%!

4.jpg
Việt nam có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử rất thu hút khách quốc tế

 

Nguyên nhân chính được các chuyên gia chỉ ra, đó là do sự nghèo nàn cả về sản phẩm để mua sắm cũng như dịch vụ giải trí. Nhiều du khách cho biết, họ đến lần đầu, háo hức với những trải nghiệm mới, nhưng đến lần thứ 2 thì các “trải nghiệm” vẫn chẳng có gì mới. Họ truyền tai nhau điều này, khiến cho nhiều người khác cũng không muốn quay trở lại Việt Nam sau khi đã “nếm trải” những sản phẩm và giải trí của lần đầu tiên.

Mặc dù Việt Nam nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc, nhưng hầu hết chỉ mới được khai thác tự nhiên, chưa có những sản phẩm “đi kèm” để tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn và ấn tượng với du khách, đủ khiến cho họ muốn quay trở lại.

Đây cũng chính là điểm hạn chế khiến cho chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam là rất ít ỏi so với các nước khác trong cùng khu vực.

3.jpg
Tuy nhiên, các dịch vụ và giải trí còn ít, đơn điệu nên nhiều du khách quốc tế đến rồi không trở lại

 

Số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy, trong khi lượng du khách tăng gần 17%, thì mức tăng chi tiêu chỉ ở mức 10%. Cần Giờ, địa điểm được kỳ vọng là “điểm nhấn” du lịch TPHCM, trung bình mỗi du khách chỉ xài 400.000 đồng kể từ khi đặt chân đến cho tới lúc rời đi. Ở ngay khu “phố Tây” giữa Sài Gòn, trung bình mỗi ngày một du khách cũng không xài quá 600.000 đồng. Đó là chưa nói đến thời gian lưu trú phổ biến chỉ 2-3 ngày, nhiều người coi Việt Nam như điểm trung chuyển để đến Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore…

Theo một số chuyên gia du lịch, thời gian gần đây Việt Nam phát triển rất mạnh các khu nghỉ dưỡng sang trọng với chất lượng vào loại hàng đầu thế giới, trải rộng khắp cả nước, đặt tại hầu hết các vị trí gần danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Đó là điều kiện để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng – vừa có thể “lôi kéo” khách quay trở lại nhiều lần, vừa “tạo cơ hội” để du khách tăng cường chi tiêu.

2.jpg
Để tăng sức hấp dẫn và tạo điều kiện cho du khách lưu lại Việt Nam lâu hơn, cần có một số thay đổi về chính sách

 

Tuy nhiên, loại hình du lịch này chỉ phù hợp với du khách hạng sang, với giá mỗi chuyến (5-7 ngày) có thể lên tới vài nghìn USD. Còn với du khách hạng bình dân vốn rất đông đảo, thì cần có thêm nhiều loại hình giải trí đa dạng, phong phú hơn so với hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng cần có những thay đổi trong chính sách visa. Giới chuyên gia cho rằng, để thu hút và giữ chân khách ở lại lâu hơn, cần tăng số ngày miễn visa từ 15 lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa; sớm bổ sung 6 nước có lượng du khách tiềm năng vào diện miễn visa du lịch, gồm: Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan. Kéo dài thời hạn các chương trình miễn visa du lịch hiện đang là “từng năm” lên mỗi giai đoạn dài 5 năm hoặc tốt hơn nữa là 10 năm; bỏ quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh lần trước ít nhất 30 ngày” vì quy định này vô hiệu hóa khả năng biến Việt Nam thành một trung tâm hàng không và du lịch đường dài.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn