"Vựa nuôi hải sản" đã nuôi sống bao thế hệ người dân làng bè
Được thiên nhiên ưu đãi, Long Sơn có nguồn hải sản dồi dào được xem như "vựa hải sản" của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Làng bè Long Sơn nằm cạnh đảo Long Sơn nơi có hai con sông Chà Và và sông Dinh chảy qua. Người dân lập bè nuôi hải sản trên sông, từ đó hình thành làng chài trên sông. Nghề nuôi trồng hải sản nơi đây đã nuôi sống bao thế hệ người dân làng bè. Trong các lồng bè nuôi nhiều loại hải sản, nhưng nổi tiếng hơn cả là nuôi hàu, sò huyết, cá lồng bè. Những loại hải sản này đem đến giá trị kinh tế cao cho người dân và cũng vì đặc điểm khí hậu nguồn nước mà hàu nuôi ở đây rất to, béo và được sản lượng cao.
Từ khi có nghề nuôi hải sản trên các lồng bè, làng chài Long Sơn dần thu hút khách du lịch. Các hộ dân ở đây nhanh chóng nắm bắt cơ hội dần cải tạo các lồng bè để làm điểm đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi và phục vụ các món ăn từ hải sản. Ở đây bạn có thể tham khảo một số nhà hàng nổi uy tín như: Nhà hàng Hàu Hải Lựu, nhà hàng làng bè Long Sơn, nhà hàng Hàu Đức Nhỏ…
Cô gái 27 tuổi Trịnh Thị Kim, một nhân viên phục vụ 10 năm trên nhà hàng Làng bè Long Sơn đang tranh thủ quét dọn bàn ăn khi khách vừa rời đi, vui vẻ cho biết: "Em sinh ra và lớn lên ở xã đảo Long Sơn này, từ ngày có công ty nuôi hải sản ở đây tuyển lao động để phục vụ khách du lịch, vợ chồng em liền xin vô đây làm luôn, nay cũng được mười năm. Chồng em làm đầu bếp, còn em làm phục vụ. Lương 2 vợ chồng một tháng cũng được 7 - 8 triệu đồng".
Lý do là nhân viên kỳ cựu ở đây lâu năm, dù số tiền thu nhập của cả 2 vợ chồng không nhiều, nhưng lại rất đáp ứng nhu cầu rất đời thường của gia đình Kim: "Nếu làm ở nơi khác, em không thể cho con đi theo đến chỗ làm được. Còn ở đây, ông chủ vẫn đồng ý cho cháu theo bố mẹ sang chơi. Hồi con còn nhỏ thì vợ chồng em nhờ ông bà nội trông giúp. Ông bà già yếu hơn, từ năm con 3 tuổi là vợ chồng em phải dắt cháu đi làm cùng. Gửi trẻ thì chi phí hạn hẹp, nên vợ chồng em cứ vừa tranh thủ làm, vừa để mắt con. Nay con em 5 tuổi rồi, cháu tự chờ tàu sang làng bè chơi và cũng có thể tự về nhà trước".
"Công việc của nhà hàng bắt đầu từ 8h sáng, tới 19h tối là xong. Vợ chồng em cùng đi làm, cùng chờ nhau về. Cứ ráng đi làm, chỉ trừ đợt dịch Covid -19 phải nghỉ làm, còn lại công việc ở đây khá ổn định, nên vợ chồng em đang cố tích tiền sắp tới cho con học tiểu học" - Kim bộc bạch.
Bạn gái làm phục vụ ở đây hơn 2 năm như Khang Thị Lý, 21 tuổi, là người dân của xã đảo Long Sơn cho biết: "Em cũng là người địa phương ở đây, đi làm có việc ổn định, thu nhập 4 triệu đồng/tháng cũng không phải lương cao, nhưng được đi làm gần nhà, không phải ra đường hít khói bụi, không mất tiền xăng xe, hay tàu xe đi lại là em thấy khoẻ rồi. Hầu hết 30 bạn làm ở nhà hàng này cũng đều là người cùng làng, cùng xã, biết nhau hết, nên luôn sẵn sàng giúp nhau trong công việc hàng ngày".
"Nhà hàng ở đây được làm nổi trên nhánh sông nhỏ, nên khá tĩnh lặng. Lúc trời mưa to gió lớn cũng chỉ dập dềnh một chút, chứ không phải lo lắng gì. Em thấy ở đây không khí trong lành, công việc có ngày bận rộn, có ngày thưa vắng khách hơn, nhưng hầu như lúc nào nhà hàng có cũng khách, chủ yếu bọn em phục vụ đoàn khách lớn, nên chúng em ít khi được thảnh thơi"- Lý chia sẻ.
Cơ hội thưởng thức hương vị riêng tươi ngon của hải sản Long Sơn
Xã đảo Long Sơn có diện tích 92 km2, trong đó có đến 54 km2 là đất liền, còn lại là đất ngập mặn. Ngoài làm ruộng, làm muối, người dân nơi đây còn sống bằng nghề nuôi hàu, cá bè, làm du lịch và chế biến hải sản.
Để ra nhà hàng nổi trên lồng bè thưởng thức hải sản, bạn chỉ cần đứng trên cây cầu gỗ nhỏ nối từ đất liền ra là chủ nhà hàng biết bạn muốn tới bè nào, ngay lập tức sẽ có tàu sang đón bạn theo nhánh rẽ của cây cầu đó. Chỉ đi tàu chừng 10 phút trên nhánh sông nhỏ, bạn đã sang tới làng bè và có thể xuống các lồng bè nuôi hải sản để thăm thú ngay. Trong lúc đi tham quan các lồng bè, bạn có thể chọn mua luôn cá, hải sản và chủ bè ngay lập tức vớt lên cho bạn và chuẩn bị cho bữa trưa hay bữa chiều giúp bạn.
Hải sản ở đảo Long Sơn không chỉ tươi sống, thịt chắc mà còn có hương vị riêng, ngọt thơm hơn hẳn những nơi khác, có lẽ nhờ được tự nhiên ưu đãi về vùng nước, khí hậu. Hải sản được chế biến theo nhiều hình thức như: Nướng, hấp sả, tái chanh, tái mù tạt, sốt me… Các loại cá, ghẹ, tôm, cua hay ốc móng tay được làm thành nhiều món đặc sắc như cá nâu nướng muối ớt, ghẹ nướng, cua rang me, lẩu canh chua cá dứa, cá tráp hấp hành, ốc móng tay nướng mỡ hành…
Nhà hàng làng bè Long Sơn có sức chứa trên 200 khách, nhà hàng được trang trí bày biện vô cùng giản dị, mộc mạc nhưng cũng không kém phần long trọng theo phong cách Hàn Quốc. Từ trong nhà hàng nhìn ra mặt sông lăn tăn gợn sóng, đón những cơn gió mát lạnh thổi vào như xua tan bao mệt nhọc trước khi thưởng thức đặc sản trên bè. Ngồi ăn hải sản tươi ngon dưới mái cọ mát rượi, đong đưa bồng bềnh nhè nhẹ theo sóng nước mang lại cho bạn cảm giác mênh mang khó tả. Vừa ăn hải sản vừa hóng gió sông nước phả vào từng đợt, bình yên đến nao lòng.
Sau khi đã ăn uống no nê, thưởng thức hết các phong vị của Long Sơn, bạn có thể kiếm 1 chiếc võng đơn ngả lưng đu đưa theo nhịp sóng bè, tận hưởng làn gió hiu hiu mát dịu nhẹ. Giấc ngủ ngắn giữa vùng sông nước sẽ làm bạn thư thái tâm hồn.
Nếu là người đam mê câu cá thì bạn đã đến đúng địa điểm, câu cá ở làng bè Long Sơn sẽ cho bạn một ngày bội thu. Khi chiều về, bạn có thể vừa ăn hải sản, vừa ngắm hoàng hôn trong ánh chiều chạng vạng đầy mê hoặc.
Đến với làng bè Long Sơn những ngày cuối tuần cùng gia đình là một lựa chọn hoàn hảo. Ngoài ra, bạn có thể ghé thăm ngôi nhà cổ ở Long Sơn hay còn gọi Đền Ông Trần. Căn nhà cổ này được xây dựng từ năm 1910 theo lối kiến trúc đậm chất đình làng Việt. Nhưng bố cục không như đình làng, có thể nói là phá cách. Nhà được dựng từ những nguyên liệu tự nhiên gồm gỗ quý, tre, trúc, ván tấm. Sau này tu sửa lại có thay đổi một số bộ phận bằng gạch ngói và xi măng tăng khả năng chịu đựng với thời gian.
Sau một ngày thăm thú, trải nghiệm trên làng bè Long Sơn, lúc ra về bạn có thể mua một số đồ hải sản khô, hải sản tươi làm quà. Làng bè Long Sơn thích hợp cho những ai ưa khám phá nét hoài cổ, bình dị mà nên thơ của vùng sông nước. Đặc biệt, là những du khách vốn sành ăn các món ăn hải sản tươi ngon, lại yêu thích du lịch sinh thái, thiên nhiên thì đừng bỏ lỡ cơ hội tới nơi này.
Từ Sài Gòn đến Long Sơn có hai hướng đi: Ra khỏi thành phố đi theo quốc lộ 51 hoặc qua hầm Thủ Thiêm theo hướng Cát Lái, qua phà Cát Lái theo bảng hướng dẫn chạy đến thị xã Bà Rịa. Long Sơn cách thị xã Bà Rịa khoảng chừng 35 km. Hướng 1 hay 2 cũng sẽ qua trạm thu phí trên quốc lộ 51 vài trăm mét, sau đó có một ngã ba rẽ phải là đến đảo Long Sơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn