“Xóa sổ” điểm cộng thêm khi thi vào lớp 10
Tại Hà Nội, từ trước đến nay Sở GD&ĐT áp dụng phương thức tuyển sinh thi tuyển kết hợp xét tuyển theo công thức: Điểm xét tuyển bằng điểm học bạ THCS quy đổi cộng điểm thi (tính hệ số 2) và điểm cộng thêm. Trong đó điểm cộng thêm là tổng điểm ưu tiên và khuyến khích được cộng trong các kỳ thi, tổng số điểm không quá 6.
Ngoài các đối tượng như con anh hùng lực lượng vũ trang, con liệt sĩ, thương binh... thì thí sinh được cộng từ 0,5 đến 2 điểm từ các cuộc thi nghề, thi học sinh giỏi, các kỳ thi olympic, viết thư quốc tế, giải toán trên máy tính cầm tay. Các cuộc thi liên quan đến văn nghệ, thể thao... cũng được tính điểm cộng.
Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung về tuyển sinh THCS và THPT mới đây, Bộ GD&ĐT đã cho lấy ý kiến cơ sở về việc không sử dụng kết quả các cuộc thi do các địa phương, đơn vị tổ chức làm căn cứ tuyển sinh đầu cấp. Theo đó, trong thời gian tới, học sinh thi vào lớp 10 có thể không được cộng bất kỳ điểm ưu tiên nào từ các cuộc thi trước đó.
Dự thảo mới đã bỏ khoản 3 Điều 7 của Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18/4 năm 2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT. Như vậy, điểm thi nghề phổ thông (thuộc phần cộng điểm khuyến khích) sẽ không được tính khi thi vào lớp 10.
Phụ huynh lo lắng, nhà trường ủng hộ
Trước thông tin trên, một số phụ huynh có con học lớp 9 tại Hà Nội tỏ ra lo lắng. Chị Phạm Thu Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hễ Sở GD&ĐT thay đổi các quy định về tuyển sinh là cả gia đình chị lo lắng, bởi áp lực trước kỳ thi vào lớp 10 vốn dĩ đã quá lớn với con chị.
“Mục đích cộng điểm là để khuyến khích học sinh học nghề, vì vậy nếu thực hiện ngay việc bỏ điểm cộng thi nghề sẽ khiến học sinh và phụ huynh hụt hẫng, hoang mang. Tôi nghĩ vẫn nên cộng điểm khuyến khích, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của các con và khuyến khích định hướng nghề cho các con”, chị Hà nêu ý kiến.
Cũng theo nữ phụ huynh, Bộ GD&ĐT cần tính toán thời gian áp dụng sao cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho học sinh, làm sao để giảm áp lực học tập vốn đã khá nặng nề với các con.
Tuy nhiên, một số giáo viên cho rằng, điều này cũng cần cân nhắc để giảm thiểu những cuộc thi kém thực chất, nặng thành tích. Ông Nguyễn Quốc Bình- Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, nội dung nào không hữu ích trong cuộc sống và tác động trong hoạt động giáo dục, gây rắc rối, phiền hà trong công tác tuyển sinh thì không nên giữ.
“Nếu học sinh có năng khiếu về thể dục, thể thao thì nên đánh giá riêng về các trường nghệ thuật, không nên ưu tiên trong kỳ thi tuyển vào lớp 10. Cũng có thể vì cộng điểm nên các cuộc thi dần dần đã không thực chất, chạy theo thành tích”- ông nói.
Đồng tình với điều này, bà Lê Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông) cho biết, hiện nhà trường vẫn dành thời gian của các tiết sinh hoạt để học sinh ôn tập lý thuyết nghề. Thế nhưng những tiết học này vẫn nặng hình thức, chưa thật sự mang tính hướng nghiệp cho học sinh.
“Việc bỏ cộng điểm thi nghề nhằm đưa dạy nghề về đúng mục đích từng đề ra, giảm tiêu cực thi cử. Việc học nghề, định hướng nghề nghiệp là chính đáng nhưng nên thay bằng hình thức và nội dung khác thì sẽ có lợi hơn cho học sinh. Bỏ các điểm cộng ưu tiên là cần thiết, tạo sự công bằng, khách quan cho các em”- bà Nguyệt chia sẻ.
Về điều này, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc không cộng điểm ưu tiên vào kết quả thi tuyển đầu cấp nhằm chấn chỉnh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương để lấy điểm, lấy giải làm điểm cộng ưu tiên trong tuyển sinh đầu cấp. “Bỏ cộng điểm nghề cũng nhằm đưa dạy nghề về đúng mục đích là giúp học sinh tiếp cận các nghề các em có sở trường để góp phần phân luồng, hướng nghiệp”- ông Thành nhấn mạnh.