Du lịch chữa bệnh ở Đức-ngành kinh doanh siêu lợi nhuận

07:00 | 28/04/2016;
Nhiều bệnh viện của Đức đã kiếm được 1 tỷ euro mỗi năm từ các bệnh nhân nước ngoài nhờ vào dịch vụ du lịch chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã rơi vào “nanh vuốt” của bọn môi giới chữa bệnh và các bác sĩ hám tiền.

Người Nga đổ xô sang Đức chữa bệnh

Nếu bạn gõ cụm từ “điều trị ở Đức” vào công cụ tìm kiếm trên Internet bằng tiếng Nga, bạn sẽ nhận được khoảng 3 triệu kết quả, bao gồm các trang web “môi giới” du lịch chữa bệnh, giúp các bệnh nhân tiềm năng đến chữa bệnh ở Đức. Một đội quân “hỗ trợ bệnh nhân” cung cấp nhiều dịch vụ cho bệnh nhân như phiên dịch, lo thị thực, sắp xếp các chuyến bay và quan trọng nhất là thiết lập các cuộc hẹn với các bệnh viện và phòng khám tại Đức.

1.jpg
Công dân Nga rất thích được điều trị tại Đức. 

Lâu nay, được điều trị y tế ở Đức luôn được xem như là một đặc quyền đối với người Nga. Tiểu thuyết gia nổi tiếng Fyodor Dostoyevsky đến chăm sóc sức khỏe tại Baden-Baden, nhà văn Nikolai Gogol chữa trị bệnh phiềm muộn của mình tại khu ngủ mát Travemude ở biển Baltic, cựu Tổng thống Boris Yeltsin, người đã 5 lần phẫu thuật vì bệnh tim, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tại Viện Tim Đức ở Berlin. Cựu đệ nhất phu nhân Raisa Gorbachev đã bệnh bạch cầu tại bệnh viện Đại học Munster.

Y học ngày nay cũng giống như nhiều mặt trong cuộc sống không thoát khỏi sự toàn cầu hóa. Giống như Sargsyan, hàng trăm ngàn bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh mỗi năm. Ngành du lịch chữa bệnh đã giúp các bệnh viện và các bác sĩ Đức kiếm được khoảng 1 tỷ euro mỗi năm. Trong năm 2011, có 82.854 bệnh nhân nước ngoài điều trị nội trú tại Đức và khoảng 123.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú. Nga là thị trường lớn nhất của Đức với khoảng 6000 bệnh nhân điều trị nội trú mỗi năm. Số lượng bệnh nhân nước ngoài đến Đức đã tăng 6 lần kể từ năm 2003. Vladimir Pyatin, Phó tổng lãnh sự Nga tại Bonn, thành phố phía tây đã từng là thủ đô của Đức nhận định, số lượng người Nga đến Đức chữa bệnh có xu hướng không ngừng tăng.

Lý do dẫn đến sự bùng nổ dịch vụ chữa bệnh tại Đức như hiện nay là bởi hệ thống y tế nước Nga bị chảy máu chất xám. Số lượng bệnh viện đã giảm gần một nửa kể từ năm 2000. Nhiều bác sĩ được trả lương thấp đã rời khỏi đất nước. Sự thiếu hụt các thiết bị và vệ sinh tại các bệnh viện trở thành thảm họa. Chỉ có 35% người Nga hài lòng với dịch vụ y tế trong nước. Trong khi đó, Đức giống như một thiên đường cho các bác sĩ được đào tạo bài bản, các bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, vệ sinh, sạch sẽ. Bệnh viện Đức cũng phục vụ các bệnh nhân người Nga, những người tự trả phí các dịch vụ y tế, đây cũng là một nguồn sinh lợi đáng kể cho bệnh viện.

2.jpg
 

Những chiến dịch quảng bá mang tầm quốc gia

Du lịch chữa bệnh được phát hiện như một nguồn thu của các bệnh viện Đức vào cuối những năm 1990. Số tiền tự trả cho các dịch vụ y tế của các bệnh nhân nước ngoài giúp các bệnh viện có thể mua sắm thêm các trang thiết bị y tế mới mà thông thường sẽ không có trong ngân sách. Các cơ quan công quyền cũng có những động thái thúc đẩy ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này. Chính quyền bang miền nam Bavaria đã đầu tư 5 triệu euro cho một dự án mang tên “Bavaria – vì một bang tốt hơn cho sức khỏe”. Dự án nhắm đến những bệnh nhân nước ngoài đến điều trị tại Bavaria – nơi được xem như “thung lũng y tế” của châu Âu, như những người triển khai dự án tuyên bố.

Chính phủ Đức không nằm ngoài cuộc, họ cũng tham gia vào việc thu hút bệnh nhân nước ngoài. Hội đồng du lịch quốc gia Đức (DZT) đã đưa các quảng cáo về hệ thống y tế của nước này vào trong một cuốn sách nhỏ có tên gọi “hành trình y tế”.  Cuốn sách phát hành 50.000 bản với tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Ả Rập. Thậm chí, thành phố du lịch Hamburg còn bổ sung thêm 60 trang trên tờ báo tiếng Đức Moskauer Deutsche Zeitung được phát hành tại thủ đô nước Nga để quảng cáo về “các thành phố chăm sóc sức khỏe lý tưởng” ở Đức. Các bệnh viện lớn đã  thiết lập “văn phòng quốc tế” của mình, nơi có các phiên dịch viên, lo thủ tục thị thực và bố trí chỗ ở cho bệnh nhân nước ngoài cũng như người nhà của họ. Những bệnh viện nhỏ và phòng khám tư nhân, tùy vào khả năng cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ của mình ngay khi khách hàng của họ vừa xuống sân bay. Ngay cả tại sân bay Munich, khu vực các máy bay từ Nga và Ukraina hạ cánh có một bảng quảng cáo to lớn với nội dung: “Kiểm tra nhanh 5 giờ, kiểm tra tim mạch 8 giờ, tầm soát ung thư  2 ngày.”

Mặt trái khó lường

Dịch vụ du lịch chữa bệnh đem lại lợi ích cho cả các bệnh viện Đức và những bệnh nhân người Nga. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu không có một số yếu tố tiêu cực tác động đến: những kẻ “môi giới” dịch vụ du lịch chữa bệnh đã không ngại khai khác thác những khách hàng của mình, yêu cầu họ làm các xét nghiệm không cần thiết, trường hợp xấu nhất, gửi bệnh nhân về nhau sau khi đã được điều trị qua loa; các bệnh viện nhắm mắt làm ngơ với tất cả những điều đó chỉ đơn giản để thu lợi. Các chính trị gia cũng nhận thức được dịch vụ du lịch chữa bệnh nằm trong “vùng đen”  pháp lý nhưng họ giả câm, điếc, mù.

Tháng 9 năm 2012, Sargsyan, 46 tuổi phát hiện ra có máu trong phân của mình. Ông vội đi đến bệnh viện ở Moscow để khám. Các bác sĩ tại đây đã phát hiện ra một khối u trong ruột của ông và khuyên ông nên sang Đức điều trị, dù biết rằng sẽ rất tốn kém. Gia đình Sargsyan đã liên hệ với công ty IMZ GmbH, có trụ sở tại Munich, Đức cung cấp dịch vụ du lịch chữa bệnh. Theo thỏa thuận của IMZ, những chi phí ban đầu Sargsyan phải trả cho là 10000 euro để trang trải cho những đợt hóa trị và xạ trị nhưng ngay sau đó, gia đình ông buộc phải trả thêm 20.000 euro vì các bác sĩ đã “quên” không kê khai giá thuốc trong các hóa đơn đầu tiên của họ. Không thanh toán, không điều trị tiếp, đó là thông điệp của IMZ. Thực chất, các bác sĩ và IMZ đã ngầm “thổi giá” các dịch vụ điều trị lên. Ví dụ, kinh phí cho những đợt điều trị ung thư ban đầu chỉ khoảng 5.400 euro nhưng IMZ đã “hút máu” bệnh nhân khi đòi trả 12.000 euro.

Trong thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị đợt điều trị sau đó, Sargsyan trở về Moscow. Một hôm bỗng dưng ông đổ sụp xuống. Ông nhanh chóng được đưa ngay trở lại Munich. Sau 10 tháng điều trị, IMZ thông báo cho gia đình Sargsyan biết số tiền phải chi trả gần 192.000 euro với một kết quả đau đớn: Bác sĩ kết luận ông chỉ có thể sống được 1 năm.  Sargsyan thất vọng: “Nếu ai đó cho tôi biết tôi chỉ có 50% sống sót tôi đã không đến đây.”

Đó chỉ là một trong nhiều câu chuyện đau buồn của những bệnh nhân nước ngoài đến Đức điều trị. Nhiều bệnh nhân sau khi nhận các hóa đơn thanh toán với số tiền cao bất thường, họ yêu cầu giám đốc bệnh viện cung cấp cho họ chi tiết mức giá của các đợt điều trị. Tuy nhiên, câu trả lời họ nhận được là các thông tin đã gửi cho các công ty “môi giới” y tế. Những công ty này thì lại ngụy biện rằng chi phí thực tế phát sinh hơn so với những dự trù ban đầu.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn