Nhiều tiềm năng chưa được “đánh thức”
Là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, Yên Bái được gắn với nhiều danh thắng nổi tiếng như: hồ Thác Bà được ví như “Hạ Long trên núi”; cánh đồng Mường Lò với ruộng bậc thang lớn thứ hai vùng Tây Bắc cùng hàng loạt danh lam, thắng cảnh và những điểm du lịch độc đáo... Với nhiều ưu đãi về tự nhiên, Yên Bái là điểm đến của nhiều loại hình du lịch khác nhau.
Đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải), đỉnh Tà Chì Nhù (Trạm Tấu)... là điểm đến thích hợp dành cho người thích phiêu lưu, mạo hiểm. Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (huyện Văn Yên), đầm Vân Hội (huyện Trấn Yên), khu bảo tồn loài và sinh cảnh xã Chế Tạo (huyện Mù Cang Chải)... là địa chỉ phù hợp với những người thích du lịch sinh thái.
Ngoài ra, nơi đây còn hội tụ nhiều văn hóa phi vật thể đặc sắc như múa xòe Thái, nghệ thuật Hạn Khuống, múa khèn Mông... cùng nền văn hóa ẩm thực độc đáo đã đem lại những nét đặc trưng riêng biệt cho hoạt động du lịch của mảnh đất vùng cao này. Yên Bái được nhiều người biết đến bởi các đặc sản nổi tiếng như: chè Suối Giàng, mật ong Mù Cang Chải, gạo nếp Tú Lệ, cam Văn Chấn, gạo tẻ Séng Cù, bánh chưng đen, thịt trâu gác bếp, lạp xưởng hun khói, quả Sơn Tra (táo mèo)...
Tuy nhiên, những tiềm năng du lịch tại địa phương còn chưa được khai thác hiệu quả. Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái cho biết, nhiều tour, tuyến du lịch hình thành chưa rõ nét, chưa gắn kết với các chương trình, sự kiện du lịch trong khu vực.
Công tác quản lý, quy hoạch phát triển du lịch tuy có cố gắng nhưng còn bất cập về điểm du lịch, nhà hàng và khách sạn còn nhỏ lẻ, trái tuyến giao thông, các dịch vụ phụ trợ chưa đầy đủ, các loại hình vui chơi giải trí còn ít, du lịch cộng đồng còn đơn điệu... Đánh thức tiềm năng, hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng là những nỗ lực tỉnh Yên bái đang thực hiện trong những năm gầm đây tiếp tục nâng cao hình ảnh và vị thế của tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng
Thực hiện chủ trương Nghị quyết số 35 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Yên Bái đã có nhiều bước tìm tòi, thử nghiệm để xây dựng và phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức tốt các lễ hội thường niên, như: Tuần văn hóa du lịch Mường Lò, Lễ hội danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ”...
Những sản phẩm du lịch cộng đồng giúp du khách tham quan, trải nghiệm cảnh đẹp gắn liền với bản sắc văn hóa, ẩm thực của người bản địa đã được Yên Bái lựa chọn là hướng đi mũi nhọn để đầu tư, phát triển. Từ sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên năm 2005 tại thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình với 10 hộ tham gia, đến nay, du lịch cộng đồng đã phát triển rộng khắp các địa phương có tiềm năng về cảnh quan và giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh với gần 120 hộ làm du lịch cộng đồng.
Trong đó, thị xã Nghĩa Lộ có 28 cơ sở, huyện Mù Cang Chải có 30 cơ sở, huyện Yên Bình có 23 cơ sở, còn lại là các cơ sở ở huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Lục Yên, Văn Yên. Một số điểm du lịch cộng đồng đã trở thành những điểm du lịch cộng đồng chất lượng được nhiều địa phương trong khu vực đến tham quan và học tập, như: bản Đêu, bản Sà Rèn, thị xã Nghĩa Lộ...
Hình thức du lịch cộng đồng không chỉ thu hút đông đảo những người thích khám phá lên với vùng cao, mà còn góp phần thay đổi kinh tế của đồng bào nơi đây. Bà Hoàng Thị Loan, một trong những người đã nhận được khoản hỗ trợ 20 triệu từ chính quyền địa phương để xây dựng Sà Rèn homestay tại bản Sà Rèn chia sẻ: Du lịch cộng đồng mang lại đời sống kinh tế ổn định cho gia đình, có đủ điều kiện cho các con, cháu học hành đầy đủ, mà còn tạo điều kiện để những người dân tộc Thái tại bản được gặp gỡ, mở rộng kiến thức từ du khách trong nước và quốc tế.
Du lịch cộng đồng phát triển là cơ hội để các địa danh tại tỉnh Yên Bái được nhiều người biết đến trên bản đồ du lịch vùng núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung, mở cửa cho kinh tế vùng cao phát triển.