"Doanh thu thấp, chi phí sửa chữa cao là điều khó khăn nhất mà đơn vị đang phải đối mặt", bà Lê Hồng Thuỷ, Phó Tổng Giám đốc khách sạn Mường Thanh Luxury Hạ Long Centre, cho biết.
Cơn bão số 3 đi qua đã gây ra rất nhiều thiệt hại đến khách sạn nói riêng và toàn vùng Hạ Long nói chung. Tại khách sạn Mường Thanh, thiệt hại nằm ở hệ thống kính tòa nhà, các tấm Alu ốp bên ngoài mặt tiền khách sạn, hệ thống trần, tường bị đổ sập nhiều…
Mặc dù ngay sau bão, đơn vị đã nhanh chóng dọn dẹp, khắc phục hậu quả để sẵn sàng đón khách du lịch trở lại. Tuy nhiên, đến nay, lượng khách lưu trú vẫn giảm đáng kể, công suất hoạt động chỉ dao động từ 10-30%, các ngày cuối tuần tăng lên khoảng 50%. Theo bà Lê Hồng Thuỷ, với "chi phí tăng, doanh thu lại giảm" đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh tại đơn vị.
Đại diện một khách sạn cao cấp khác ở Hạ Long chia sẻ, thiệt hại từ cơn bão số 3 để lại là rất lớn, chủ yếu ở các mặt kính tòa nhà. Đây là hàng nhập khẩu từ nước ngoài nên sẽ mất nhiều thời gian và chi phí sửa chữa để có thể trở lại "trạng thái bình thường". Vì vậy phía doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động từ 3 – 3,5 tháng để tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả.
"Các chi phí sửa chữa vẫn đang được doanh nghiệp chủ động cố gắng trong nguồn lực để chi trả. Ngoài ra, chúng tôi đã đề xuất ngân hàng xem xét áp dụng biện pháp hỗ trợ về tín dụng, lãi suất để giúp doanh nghiệp khôi phục kinh doanh", phía doanh nghiệp cho biết thêm.
"Tổ hợp Thanh Âm Thông Zeo (cafe, nhà hàng, sân khấu âm nhạc) được đầu tư theo kiểu một "Đà Lạt thu nhỏ" tại Hạ Long. Anh Ngô Thanh Tùng, chủ cơ sở kinh doanh này cho biết: Mất bao công sức, tiền của đầu tư xây dựng, sau bão số 3, cơ sở của chúng tôi chỉ còn là đống đổ nát.
Tận dụng vẻ đẹp thiên nhiên từ Hạ Long: tổ hợp Thanh Âm Thông Zeo, Ngọn Hải Đăng luôn là một trong những địa điểm thu hút nhiều du khách khi tới Quảng Ninh. "Cảnh quan thiên nhiên là một trong những đặc điểm nổi bật để du khách lựa chọn Hạ Long nhưng giờ đây đã bị tàn phá và sẽ mất nhiều thời gian mới có thể khôi phục được như trước. Ước tính thiệt hại tại cơ sở kinh doanh của tôi lên tới cả tỷ đồng", anh Tùng cho biết.
Thực tế tại cơ sở kinh doanh của anh Tùng, lượng khách những ngày sau cơn bão số 3 đã giảm 70-80% so với thời điểm trước bão.
Thông tin từ Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, các địa phương như Móng Cái, Hải Hà, Uông Bí: 100% cơ sở lưu trú sẵn sàng đón khách; Tại Cô Tô: 30% cơ sở lưu trú, 60% tổng số phòng toàn huyện sẵn sàng đón khách; tại Vân Đồn: các cơ sở lưu trú tại Quan Lạn, Minh Châu đang phải khắc phục, chưa đủ điều kiện đón khách. Đối với hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao, mới chỉ khoảng 60% khách sạn sẵn sàng đón khách. Công tác tổ chức phục vụ gặp khó khăn do nhiều khu vực chưa có điện, nước; hệ thống viễn thông, việc cung ứng thực phẩm, xăng dầu gặp khó khăn; nhiều tuyến đường, phố và tại các khu điểm du lịch nhiều điểm bị sạt lở, đứt gãy...
Theo ý kiến từ nhiều doanh nghiệp, những tàn phá về tài sản, vật chất của bão số 3 đi qua đã ảnh hưởng tới lượng khách du lịch tới Hạ Long. Ngoài ra còn yếu tố thời vụ là bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh vào cuối mùa du lịch. Điều đó khiến lượng du khách đã giảm lại "cộng hưởng" từ hậu quả của cơn bão số 3 càng khiến lượng khách tìm tới Hạ Long giảm thêm. Vì vậy, du lịch tại Hạ Long sẽ mất một thời gian để tái thiết và bình ổn.
Tại Quảng Ninh, tỷ lệ lao động nữ trong ngành du lịch chiếm phần lớn, đặc biệt là ở các vị trí dịch vụ như nhà hàng, khách sạn và hướng dẫn du lịch. Trước khi đại dịch COVID-19, ngành du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động, trong đó 26.000 người là lao động trực tiếp.
Thực tế, ảnh hưởng của cơn bão số 3 sẽ dẫn đến suy yếu năng lực tài chính của các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp du lịch, dịch vụ có nguy cơ phá sản, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của hàng ngàn lao động.
Bão số 3 được nhận định là siêu bão chưa từng có, đổ bộ vào Quảng Ninh trong thời gian qua. Đóng vai trò là một trong những ngành kinh doanh "mũi nhọn" của tỉnh Quảng Ninh, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3.
Báo cáo mới nhất của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, hồi phục được hơn 1 năm kể từ sau đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Trong đó, có những doanh nghiệp bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở khối cơ sở du lịch lưu trú (chủ yếu là các loại cơ sở lưu trú cao cấp 4-5 sao), nhiều khách sạn đã phải dừng hoạt động để khắc phục hậu quả.
Trước tình hình khó khăn này, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các hình thức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp không chỉ thông qua các gói vay mới mà còn hỗ trợ trực tiếp lãi suất vào các khoản vay của khách hàng.
Là một khách hàng vay lớn tại ngân hàng, Anh Tùng nhấn mạnh, điều này rất cấp thiết và ý nghĩa đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn sau cơn bão lịch sử. Vì vậy, anh bày tỏ mong muốn, ngân hàng sẽ hỗ trợ kịp thời để doanh nghiệp yên tâm tái thiết cơ sở kinh doanh, gây dựng lại để chờ đón mùa du lịch mới 2025.
Đến nay, đã có khoảng 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất giảm từ 0,5 - 2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3 (Yagi). Các ngân hàng thương mại cũng đưa ra các chính sách giảm lãi vay từ 0,5 -2%/năm cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh ở khu vực phía Bắc.
Trong cơn bão số 3, tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại về người, tài sản rất lớn, với 29 người chết và trên 1.600 người bị thương; thiệt hại tài sản khoảng 25.000 tỷ đồng. Theo thống kê sơ bộ, đến nay có khoảng hơn 17.500 khách hàng với tổng dư nợ bị thiệt hại ảnh hưởng là khoảng 46.425 tỷ đồng và dư nợ thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng.
(Báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy tại Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, ngày 28/9/2024)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn