Tây Bắc là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch, nhưng cho đến nay, quá trình phát triển ngành công nghiệp không khói nơi đây vẫn hết sức khiêm tốn. Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 vùng du lịch ở Việt Nam thì Tây Bắc chiếm 12% khách du lịch, nhưng doanh thu chỉ chiếm 5%, thấp nhất cả nước.
Tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La và Yên Bái) năm 2020, rất nhiều doanh nghiệp nhận xét, du lịch Tây Bắc cần phải tập trung nâng cao sự đa dạng trong các sản phẩm ẩm thực của từng địa phương, vấn đề an toàn thực phẩm, cải thiện chất lượng phục vụ… để thu hút nhiều du khách hơn nữa.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour nhận định: "Trong hoạt động du lịch, doanh thu của ẩm thực chiếm một tỷ lệ khá lớn. Việc xây dựng sản phẩm du lịch một cách bài bản, sáng tạo, có sự liên kết và chú trọng đổi mới hình thức quảng bá, truyền thông, sẽ giúp du khách có được nhiều trải nghiệm thú vị, đáng nhớ hơn".
Theo ông Nguyễn Ngọc Tấn, Tổng Giám đốc Công ty vận chuyển và du lịch Saco, một trong những điểm nổi bật, đặc sắc của du lịch 8 tỉnh Tây Bắc là ẩm thực. Do đó, làm sao khai thác ẩm thực địa phương để trở thành sức hút trong tour. Chẳng hạn, đặc sản ẩm thực của tỉnh Phú Thọ trong từng bữa ăn cần khác nhau, kèm theo đó là những câu chuyện của từng món ăn được hướng dẫn viên giới thiệu trước nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách khi thưởng thức.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), mỗi du khách thường chi trung bình 1/3 tổng chi phí của chuyến đi cho các hoạt động liên quan đến ẩm thực. Trên thế giới, các quốc gia có thế mạnh về du lịch, nhất là ở khu vực châu Á như: Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã rất thành công trong chiến lược truyền thông về ẩm thực. Chính vì vậy, ẩm thực luôn chiếm tỷ trọng rất cao trong doanh thu của ngành du lịch ở những nước này.
Việt Nam có 53 dân tộc anh em, cộng với những yếu tố thuận lợi về thiên nhiên, địa hình từng vùng miền đặc trưng, là những điều kiện lý tưởng để tạo nên một nền ẩm thực độc đáo từ những món ăn đời thường cho đến những đặc sản mang đậm chất núi rừng mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được.
Vùng Tây Bắc của Việt Nam không thiếu những món ăn đặc trưng như: món rêu đá nướng, cá chép nướng, gà nướng ống tre, thịt lợn băm gói lá nướng, cá ngạnh xông hơi, xôi nếp nương tím, bê chao, măng đắng, thịt lợn bản cuốn lá rau rừng…
Đối với lĩnh vực du lịch, ẩm thực không đơn thuần chỉ là việc cung cấp dịch vụ ăn uống thông thường, mà còn là một sản phẩm du lịch đặc biệt.
Qua ẩm thực nhiều nét văn hóa đặc sắc cũng được bộc lộ và là cơ hội để du khách khám phá, tìm hiểu nét văn hóa của người dân nơi mình đến. Nếu chúng ta quan tâm, tập trung phát triển một cách bài bản đến vấn đề ẩm thực, điều này cũng sẽ góp phần vào quá trình phát triển ngành du lịch không chỉ ở Tây Bắc mà còn cả ở Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn