Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Doanh nghiệp lo bị ‘khóa chân’
07:33 | 09/08/2019;
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, một số điều khoản quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi chưa thực sự phù hợp và sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tại hội thảo “Góp ý sửa đổi Dự thảo Bộ Luật Lao động từ doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các đơn vị tổ chức mới đây ở Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, một số điều khoản quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi chưa thực sự phù hợp và sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, quy định giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần là không hợp lý. Theo ông Nam, với đặc thù theo mùa vụ, phải sản xuất kịp thời để giữ tôm, cá tươi, doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản kêu khó với việc giảm giờ làm và khống chế khung giờ làm thêm theo tháng của dự thảo.
Ngoài ra, theo vị đại diện VASEP, theo một khảo sát và tính toán của đơn vị này cho thấy, một doanh nghiệp quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm. Bởi các doanh nghiệp sẽ phải trả cho 4 giờ/tuần từ giờ làm việc bình thường sang lương theo giờ làm thêm ở mức khung giá cao hơn nhiều lần.
Do đó, dù ngay cả khi Việt Nam quy định về thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần, các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề như dệt may, thủy sản, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/năm theo quy định hiện nay. Thậm chí, có doanh nghiệp vi phạm quy định về giờ làm thêm để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng hoặc phải giao hàng bằng máy bay.
Đại diện VASEP cho rằng lý luận công chức làm việc 44 người lao động làm việc 48 là bất công không hợp lý. “Công chức không đi làm thứ 7, nhiều thủ tục hành chính bị bê trễ gây khó cho chúng tôi, nhất là xuất nhập khẩu. Việt Nam vào các FTA để tăng năng lực sản xuất nhưng lại bị khóa chân ở chỗ rất thiết yếu”, ông Nam nói. Đại diện VASEP đề nghị mở khung giờ làm thêm trong khoảng 400 – 500 giờ/năm để có dung sai cho các doanh nghiệp thực hiện đơn hàng mùa vụ, có ngưỡng để không vi phạm pháp luật.
Đồng quan điểm, ông Lê Xuân Dương, đại diện Hiệp hội Da giày cũng cho rằng sẽ tự triệt tiêu lợi thế về lao động khi ban hành những quy định giảm giờ làm này. Theo đại diện Hiệp hội Da giày, việc giảm 4 giờ làm tương đương với 9%, với kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ mỗi năm của ngành da giày hiện nay, giả sử không có giờ làm thêm, ngành da giày sẽ mất gần 2 tỷ USD.
Theo ông Dương, lao động của ngành da giày được tính công theo sản phẩm thay vì giờ làm. Giảm giờ làm, số sản phẩm được làm ra sẽ giảm đi, thực tế ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động.
Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cũng đề xuất, đối với chính sách làm thêm giờ nên điều chỉnh tăng thêm 450 giờ/năm bởi đặc thù của nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành dệt may, để đảm bảo các đơn hàng, tiến độ sản xuất cũng như tiền lương, thưởng...
Đại diện VITAS lập luận không phải doanh nghiệp nào cũng muốn tăng giờ làm thêm, điều này xảy ra khi rơi vào hoàn cảnh bắt buộc. Bởi tăng giờ làm thêm sẽ khiến chi phí doanh nghiệp sẽ tăng lên, nếu doanh nghiệp chỉ trông chờ vào làm thêm thì sẽ thiệt hại lớn. Ông Cẩm cho rằng việc tính lương làm thêm lũy tiến số tiếng làm việc cũng chưa hợp lý bởi không kiểm soát được thời gian làm thêm của người lao động có thực chất hay không.
Ghi nhận ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, Chính phủ đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo Bộ Luật Lao động. Qua góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, tinh thần là ủng hộ Dự thảo, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề được doanh nghiệp kiến nghị gây cản trở, thậm chí “khoá chân” doanh nghiệp.
“Chúng ta đã đạt được yêu cầu của Nghị quyết 27 về lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tuy nhiên, thực tế, đa số doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động hơn mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, tiền lương tối thiểu tăng kéo theo nhiều chi phí “ăn theo” lương tối thiểu tăng lên, gồm cả phí công đoàn, bảo hiểm... đó chính là điều quan ngại. Tác động kép như vậy không mang lại lợi ích cho người lao động mà lại tốn kém phí ở khâu trung gian”, ông Lộc nhìn nhận.
Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1995. Sau 24 năm, Bộ Luật Lao động đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007 và 2012. Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Bộ luật có phạm vi sửa đổi rộng, với 162 điều được sửa đổi, 29 điều được bổ sung, bãi bỏ 49 điều so với Bộ luật Lao động hiện hành, đồng thời sửa đổi hai điều của Luật Bảo hiểm xã hội.
Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến, từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức tham vấn đông đảo các đối tượng, tạo sự đồng thuận của xã hội với những nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Bộ luật.