Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và những câu hỏi còn bỏ ngỏ

17:53 | 14/08/2019;
So với các dự thảo Luật khác, có thể nói dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với phạm vị ảnh hưởng rộng lớn cũng như nhiều nội dung điều chỉnh tác động rộng rãi đến nhân dân, đang khiến các nhà lập pháp “cân não”. Chỉ ra nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, người đứng đầu cơ quan Quốc hội gợi mở thêm các vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh luật đối với cơ quan soạn thảo.

Nêu quan điểm, suy nghĩ của mình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong buổi thảo luận về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 14/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, phạm vi điều chỉnh của BLLĐ trước nay chỉ bó hẹp trong khu vực có quan hệ lao động với khoảng 15 triệu người đổ lại.

Vẫn còn 40 triệu người trong độ tuổi lao động đang còn “để bên ngoài” luật. Số người này được bảo vệ, điều chỉnh bằng cơ chế nào nếu không quy định trong luật, theo bà đây là vấn đề rất lớn.

“Khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 về nội dung điều chỉnh, chúng ta được nhiều đại biểu hoan nghênh, đặc biệt là từ phía các tổ chức quốc tế mà mình tham gia. Sửa đổi hơn 200 điều của luật là rất lớn, tác động tới tất cả các doanh nghiệp, 55 triệu lao động nếu mở rộng phạm vi, tác động tới kinh tế xã hội. Vì vậy, ngoài đáp ứng các cam kết sửa đổi tính tới nhu cầu phát triển của đất nước, những vấn đề mang tính quyết định của bộ luật Lao động phải nghiên cứu sâu” – bà Ngân nói.

kim-ngan.jpg
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu lên các vấn đề cần được làm rõ của dự thảo BLLĐ (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn 

Cũng theo bà Kim Ngân, hiện nay, việc duy trì nguồn lao động trình độ thấp, ngành sử dụng LĐ với số lượng lớn đang góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm lợi thế cạnh tranh trước mắt.

Tuy nhiên, thách thức to lớn trong tương lai khi mà máy móc thay thế con người. “BLLĐ lần này phải làm gì để NLĐ đủ sức cạnh tranh với nguồn lao động trong khu vực, trong khối ASEAN và cạnh tranh được với máy móc. Làm gì để có cơ hội NLĐ được đào tạo liên tục để làm quen, làm bạn, chưa dám nói làm chủ công nghệ mới, cũng là điều đặt ra đối với việc điều chỉnh luật” – bà Ngân nhấn mạnh

Trước những thách thức này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong bối cảnh nhiều ý kiến trái chiều khi xây dựng một số nội dung quan trọng của luật, BLLĐ phải trả lời được các câu hỏi vẫn đang bỏ ngỏ như: Thông qua quy định mới bổ sung, NLĐ, người sử dụng LĐ, tổ chức đại diện cho NLĐ, nhà nước, xã hội được gì? Quyền lợi nào của NLĐ được tăng lên? Quyền lợi nào của người sử dụng LĐ được bảo đảm? Nghĩa vụ nào tăng, giảm đối với NLĐ?

“Chúng ta phải tìm được hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ NLĐ và thúc đẩy sự phát triển của cạnh tranh doanh nghiệp, phải theo xu hướng tiến bộ. Phải bám nguyên tắc: Mỗi năm đất nước phát triển hơn thì tất cả người dân VN, trong đó NLĐ và người sử dụng LĐ phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, hưởng thành quả nhiều hơn từ lợi ích, từ sự phát triển của đất nước, đảm bảo hài hòa lợi ích. Chắc chắn chúng tôi không bỏ lợi ích của người sử dụng lao động ra ngoài đâu!” – nữ Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Nhìn nhận về quá trình chuẩn bị của Bộ LĐTBXH – cơ quan soạn thảo chính của dự luật, bà Ngân cho rằng, Bộ đã nỗ lực, thận trọng khi xin ý kiến cấp thẩm quyền để xây dựng luật, xin ý kiến trước khi dự thảo luật là cách làm mới, từ đó có tính định hướng lớn.

Tuy nhiên, theo bà Ngân, qua các năm chuẩn bị, dù ý tưởng rõ, quyết tâm chính trị cao, yêu cầu cụ thể nhưng sự chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ sửa đổi lần này chưa đầy đủ, chưa như mong muốn. Tờ trình chưa toàn diện, các tài liệu còn chưa nhất quán với tổng kết, chưa có đánh giá tác động, thuyết minh dự án cho bộ luật nếu chuẩn bị tốt hơn thì sẽ phục vụ cho việc lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và NLĐ.

Phản hồi trước Quốc hội về quá trình soạn thảo điều chỉnh luật, ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, dự thảo BLLĐ (sửa đổi) hiện nay về cơ bản đã đảm bảo đồng bộ, tương thích và đồng nhất.

Trước một số báo cáo đánh giá tác động còn thiếu, theo ông Dung, thực tế tất cả báo cáo đánh giá tác động trên các lĩnh vực, nhất là vấn đề mới, 6 nội dung quan trọng đã nêu đều cơ bản có. Tuy nhiên, chất lượng từng báo cáo có thể chưa đạt được mong muốn. Ông khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tập trung chỉ đạo hoàn tất, bổ sung hoàn chỉnh hơn các báo cáo này.

Ngoài ra, Bộ LĐTBXH hiện đang chủ động bổ sung thêm các báo cáo như: kết quả và tình hình đình công trong 10 năm qua để làm căn cứ bổ sung; báo cáo bổ sung việc vi phạm về giờ làm thêm, thời gian làm thêm, công tác thanh kiểm tra; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân.

Đặc biệt, ông Dung thông tin thêm, từ năm 1993 đến nay có tất cả 8 thông tư liên tịch liên quan đến công việc nặng nhọc độc hại với 1.758 công việc thuộc lĩnh vực này. “Đầu tháng 9 này, Bộ sẽ có bản tổng hợp, trên cơ sở cùng Bộ Y tế sẽ thẩm định theo pháp luật. Những ngày qua, cơ quan giúp việc, ban soạn thảo làm việc ngày đêm với sự tập trung và tinh thần trách nhiệm cao” – ông Dung cho hay.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn