Tiếp tục chương trình phiên khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 15/1/2024, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, băn khoăn, quan ngại về việc dự thảo luật chuyển thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng từ Thủ tướng Chính phủ về địa phương, mục tiêu nhằm tháo gỡ về thủ tục, tăng tính chủ động cho địa phương.
Đại biểu đề nghị dự thảo luật phải quy định nguyên tắc, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết, nhằm kiểm soát chặt chẽ quyền lực, không chỉ vì lợi ích kinh tế mà cần phải tính toán kỹ lưỡng về xã hội, môi trường, không để lợi ích nhóm. Việc chuyển đổi phải được xem xét trên phương diện tổng thể các lĩnh vực, các ngành, có tính liên kết vùng, phải đảm bảo có sự tham gia ý kiến của các ngành có liên quan, trong đó có ngành nông nghiệp ở địa phương. "Không để chuyển đổi quá nhiều "bờ xôi, ruộng mật", "lỗ chỗ xôi đỗ" để khi chuyển đổi xong người nông dân không thể canh tác nông nghiệp được nữa. Với đất hai lúa, đất rừng tự nhiên mất đi thì không thể khôi phục lại như ban đầu, nên phải thực sự cần thiết thì mới cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng" - đại biểu Kim Anh lo ngại.
Về quy định chuyển tiếp đối với hộ gia đình, cá nhân đã được giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đại biểu Kim Anh cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 184 dự thảo Luật Đất đai thì cá nhân không được giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đề xuất sửa điểm c khoản 3 Điều 16 Luật Lâm nghiệp quy định, chỉ giao đất, giao rừng sản xuất là rừng trồng cho cá nhân và quy định chuyển tiếp cho những đối tượng trực tiếp bị tác động bởi chính sách này.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, cho biết: Tại Điều 47 quy định "Cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh cho cá nhân khác".
Theo đại biểu Ngọc Xuân, quy định này là chưa hợp lý, đề cao việc quản lý đơn thuần theo địa giới hành chính hơn là giải phóng nguồn lực đất đai cho đúng đối tượng có đủ năng lực và chưa phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Đại biểu phân tích: "Trường hợp ông bà, cha mẹ và con cháu không thường trú tại 1 đơn vị hành chính cấp tỉnh thì việc quy định như trên sẽ làm hạn chế quyền của người dân. Tại sao quản lý theo quy hoạch mà chúng ta lại siết chặt trên địa bàn cấp tỉnh?
Còn tại Điều 16 trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, đề nghị nghiên cứu xem xét miễn tiền sử dụng đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã biên giới khi được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải là đất ở sang đất ở để người dân yên tâm lao động, sản xuất, giữ đất, giữ nước, giữ rừng, giữ biên cương theo tinh thần Nghị quyết số 33 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định điều tiết lợi ích đất từ các Luật Đất đai trước đây đến dự thảo luật lần này đều chưa có quy định điều tiết lợi ích từ đất. Có những trường hợp người sử dụng đất may mắn khi được Nhà nước mở rộng các công trình công cộng ở gần thì giá đất tăng lên. Ngược lại, có những người sử dụng đất không may mắn do Nhà nước chuyển các công trình công cộng đang ở gần nhà sang nơi khác thì giá đất lại giảm xuống rất nhiều.
Theo đại biểu Lan Anh, điều này làm cho người có đất mà Nhà nước thu hồi để xây dựng các công trình công cộng cảm thấy bị thiệt thòi hơn so với những người có đất còn lại ở gần các công trình công cộng. Do vậy, họ có tâm lý không muốn giao lại đất cho Nhà nước. Vấn đề này chính sách pháp luật đất đai chưa có quy định để điều tiết về chênh lệch địa tô. Đại biểu bày tỏ mong muốn luật bổ sung thêm một nội dung để đưa vào quy định về điều tiết địa tô chênh lệch trong trường hợp này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn