Sáng 21/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã tiến hành lấy ý kiến Nhân dân được tiếp thu, tổng hợp nghiêm túc; đồng thời nhận định đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, tác động sâu rộng đến đời sống Nhân dân.
Quan tâm về vấn đề chênh lệch địa tô, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, cho biết: chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao, đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có giá cao gấp chục lần. Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.
Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, Luật sửa đổi lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát. Đặc biệt là việc xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Giải quyết vấn đề chênh lệch giá đất, theo đại biểu, nguyên tắc xác định giá đất trong dự thảo Luật chưa đủ điều điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng.
Về việc làm cho người bị thu hồi đất, đại biểu Trần Đình Gia, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở, thực tế hiện nay có trường hợp hết tuổi lao động nhưng vẫn trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường. Người lao động quá tuổi lao động vốn rất khó có cơ hội tìm kiếm được việc làm mới hoặc chuyển đổi nghề, khi mất đất sản xuất thì họ càng gặp khó khăn hơn khi bị thu hồi tư liệu sản xuất.
Theo đó, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định chính sách hỗ trợ trường hợp hết tuổi lao động nhưng vẫn trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường.
Quan tâm tới nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Khoản 10 Điều 201 của dự thảo Luật về đất khu công nghiệp thiếu sự rõ ràng khi sử dụng cụm từ "xác định nhu cầu xây dựng", chưa tương thích với Luật Nhà ở sửa đổi để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp.
Đại biểu đề nghị quy định theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, tương thích ở sửa đổi luật nhà ở; coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là hạ tầng thiết yếu cho khu công nghiệp.
Đồng thời, cần quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng công trình công cộng, phục vụ đời sống, làm việc trong khu công nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn