Tiếp tục nội dung phiên làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 5/1, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Đến nay, dự thảo Luật này đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh…
Với một số nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh (Điều 67), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm tạo cơ sở pháp lý để quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị mắc bệnh suy dinh dưỡng cấp tính (thể vừa và thể nặng); đề nghị xem xét quy định cụ thể trong văn bản luật về việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em; có ý kiến đề nghị bổ sung khái niệm "sản phẩm dinh dưỡng" trong giải thích từ ngữ, bổ sung quy định về danh mục, cơ chế cung cấp, quản lý và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị và giao cho Chính phủ quy định chi tiết; đề nghị đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, lấy ý kiến các bên có liên quan để tạo sự thống nhất cao về tính phù hợp của việc quy định sản phẩm, không quy định sản phẩm dinh dưỡng điều trị trong dự thảo Luật nếu chưa có căn cứ vững chắc.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định về mức hưởng của bảo hiểm y tế không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, nếu Luật này đề cập một sản phẩm điều trị hay dịch vụ điều trị cụ thể đối với một đối tượng cụ thể thì sẽ không đảm bảo tính phổ quát, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính công bằng với các đối tượng khác.
Hơn nữa, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa làm rõ sản phẩm dinh dưỡng điều trị là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý phù hợp. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định trong dự thảo Luật sản phẩm dinh dưỡng điều trị cũng như việc bảo hiểm y tế chi trả cho việc sử dụng sản phẩm dinh dưỡng điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em; chỉ quy định chung về nội dung dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh.
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở vì giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện công lập và tư nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có mức đầu tư khác so với các cơ sở của Nhà nước. Do vậy, việc quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở tư nhân phụ thuộc vào mức đầu tư của cơ sở đó. Tuy nhiên, để đảm bảo thống nhất với Luật Giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được quy định việc quyết định giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở tư nhân phải được thực hiện theo nguyên tắc, căn cứ định giá của Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành như quy định tại khoản 8 Điều 110.
Đồng thời, để quản lý giá, dự thảo Luật cũng đã quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm kê khai giá, niêm yết giá bảo đảm công khai, minh bạch và chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá (khoản 9). Quy định này vừa đảm bảo Nhà nước kiểm soát giá dịch vụ y tế, bảo đảm quyền của người bệnh; đồng thời bảo đảm quyền tự quyết của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn