Mở đầu, TS. Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - chủ trì Hội thảo đã gợi mở các vấn đề chính xung quanh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn để các đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận, phát biểu như vấn đề phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; Chức năng của công đoàn, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; Vấn đề lồng ghép bình đẳng giới trong Dự thảo…
Đại diện Ban soạn thảo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) chia sẻ, theo chương trình xây dựng chính sách pháp luật năm 2020 - 2021, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), thông qua tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIV, dự kiến tháng 3/2021.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Công đoàn diễn ra trong bối cảnh Bộ luật Lao động năm 2019 vừa ban hành, nước ta hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, phê chuẩn các công ước quốc tế, các công ước lao động cơ bản. Đặc biệt, tới đây, chúng ta có sự cạnh tranh của tổ chức khác đại diện cho người lao động…
Nói về lồng ghép giới vấn đề bình đẳng giới trong Dự thảo, đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh, nếu bất cập về giới thì phải có giải pháp khắc phục phù hợp với mục tiêu cụ thể của từng chính sách.
Các giải pháp chính sách được lựa chọn nhằm giải quyết vấn đề giới phải được quy phạm hóa thành các điều khoản cụ thể trong dự thảo đảm bảo tính hệ thống, nhất quán và khả thi của mục tiêu lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - nhận xét, tính chất bảo vệ lao động nữ chưa được thể hiện nhiều trong Dự thảo luật này. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, thực tiễn cho thấy dù nói rằng không phân biệt đối xử nhưng thực chất là đang phân biệt đối xử. "Coi lao động nam cũng như lao động nữ thì rõ ràng thiệt thòi cho lao động nữ. Người bị thiệt thòi sẽ tiếp tục bị thiệt thòi", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nói.
Nhiều chuyên gia cùng nêu quan điểm góp ý Ban soạn thảo nên cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo luật, bởi thực tiễn hiện nay đã thay đổi nhiều so với 7 năm trước (khi soạn thảo Luật Công đoàn hiện hành), thế nên nếu vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh là không nên.
Ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng, người lao động thực chất là người đi làm thuê bằng sức lao động của mình và được trả bằng lương hoặc tiền công. Vì vậy, mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động là ở thế yếu.
Hiện nay, lao động nữ chiếm số đông trong nhiều ngành nghề như dệt may, chế biến thủy hải sản… vì vậy cần phải quan tâm hơn đối với nhóm lao động này, phải lồng ghép giới trong Dự thảo Luật. Ông Lê Việt Trường cũng cho rằng, cần phải sửa phạm vi điều chỉnh, vì thực tiễn có nhiều thay đổi lớn.
Tại Hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp nhận xét, việc sửa đổi Luật Công đoàn là điều tất yếu. Đại diện Công ty Canon Việt Nam cho rằng, Dự thảo cần làm rõ, cụ thể hơn về vấn đề bình đẳng giới, tập trung thêm để bảo vệ tốt hơn quyền lợi lao động nữ.
Các ý kiến của đại biểu cũng xoay quanh các vấn đề như mở rộng phạm vi điều chỉnh, vấn đề kinh phí của công đoàn, quan tâm đến nhóm lao động phi chính thức…
Đại diện Ban soạn thảo đã ghi nhận ý kiến đóng góp thiết thực, sát sao và phong phú của các đại biểu. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, rà soát và điều chỉnh cho phù hợp.
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa đánh giá cao ý kiến phát biểu của 9 chuyên gia, đại biểu. Các ý kiến đều bám sát vào những vấn đề mà Ban tổ chức nêu ra từ đầu.
Ban tổ chức sẽ ghi nhận, tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu trên cơ sở thống nhất các ý kiến làm sao tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động. Đặc biệt, hướng đến người lao động ở lĩnh vực phi chính thức.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cũng cho rằng, cần một cơ chế phối hợp, các tổ chức chính trị xã hội tham gia cùng công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
"Vấn đề giới trong luật, Ban soạn thảo cố gắng rà soát, đối chiếu với quy định trong Luật Bình đẳng giới để khi trình Quốc hội sẽ kín kẽ hơn, phù hợp hơn. Chúng tôi mong muốn có những thông tin đánh giá hoạt động của ban nữ công trong tổ chức công đoàn, thực hiện chính sách cho lao động nữ", TS. Bùi Thị Hòa kết luận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn