Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi: ‘Đòi hỏi’ quyền lợi nhiều hơn nghĩa vụ?

16:39 | 10/09/2019;
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) vẫn còn nặng tính khẩu hiệu, thiếu thực tế. Nội dung về nghĩa vụ của thanh niên vẫn chưa thể hiện rõ, trong khi lại có phần hơi “đòi hỏi” quyền lợi cho đối tượng này.

Sáng nay 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên họp thứ 37 lấy ý kiến dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho thấy, dự luật còn có nhiều nội dung cần hoàn thiện, sửa đổi.

Trình bày dự án luật, Bộ trưởng Bội Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, một số quy định hiện hành đối với thanh niên hiện khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể.

Nhiều quy định chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết, qua thẩm tra sơ bộ, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên. Khẳng định việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng về công tác thanh niên.

phan-thanh-binh.jpg
Ông Phan Thanh Bình nêu báo cáo thẩm tra dự án luật Thanh niên (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nếu Dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì chưa nên ban hành Luật mới.

Trao đổi về luật, nhiều thành viên Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật chưa đề cập rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của thanh niên, trong khi lại nặng về đòi hỏi quyền lợi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đọc luật này thì ông thấy “đòi hỏi nhiều quá, đòi hỏi quyền lợi cho thanh niên nhiều mà đề cập đến nghĩa vụ của thanh niên thì lại ít. Tôi thấy luật này thay từ "thanh niên" thành "công nhân" hay "công dân" đều đúng vì đều có nghĩa vụ như vậy. Dự thảo luật này khẩu hiệu nhiều lắm, thiếu tính cụ thể" – ông nói.

Còn ông Nguyễn Khắc Định – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội lại băn khoăn về đầu mối quản lý nhà nước về thanh niên là Bộ Nội vụ. “Vì không có bộ nào có chức năng quản lý nhà nước về thanh niên nên "bắt" Bộ Nội vụ làm thôi" – ông nói. Một số thành viên cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên của nước ta cũng không rõ, trong khi các nước khác có Bộ Thanh niên và thể thao với chức năng quản lý cụ thể".

Về điều này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, hiện nay Trung ương Đoàn có trụ sở, nhà cửa, tài sản như một bộ, nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước về thanh niên. Để làm được điều này, theo bà cần chủ trương lớn, nhưng tổ chức Đoàn cũng cần suy nghĩ, đề xuất về mô hình, phương pháp tổ chức phù hợp với tình hình mới.

Bàn luận về dự thảo, bà Ngân cũng cho rằng bản thân bà "ủng hộ thanh niên" nhưng những chính sách trong này quy định thiếu tính đặc thù. Đơn cử như quy định thanh niên được quyền chăm sóc sức khỏe thì mọi người dân cũng đều có quyền được chăm sóc sức khỏe, không riêng gì thanh niên.

“Hay quy định nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thì các luật về nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đã quy định rất rõ rồi. Luật thanh niên phải quy định những nội dung đặc thù, quy định chính sách gì thật sự mới. Cần thiết kế luật để thanh niên thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và khi thực hiện thì họ được quyền lợi gì, "hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay"?" – bà Ngân nêu ý kiến.

Ngày 29/11/2005 tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Sau 13 năm triển khai thực hiện, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005, hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên phù hợp với tình hình mới. Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), gồm có 6 Chương và 62 Điều; tăng 26 Điều so với Luật năm 2005.

 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn