Luật Việc làm hiện hành (năm 2013) có quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; trong đó, với trường hợp chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ không thuộc đối tượng đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp là: "Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật"; "Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng" (Điều 49).
Với nội dung này, tại khoản 1 Điều 111 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), cơ quan soạn thảo bổ sung thêm đối tượng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm:
"Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định Bộ luật Lao động";
"Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức"; và "Người lao động hưởng lương hưu"; "Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu".
Việc cơ quan soạn thảo mở rộng đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp đang gây ra sự lo lắng, không đồng thuận của người lao động. Chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân Công ty may HD tại Thuận Thành (Bắc Ninh), cảm thấy bất ngờ và khá sốc khi được biết "người lao động bị sa thải" có thể không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị Hằng quy định như vậy gây bất lợi rất lớn cho người lao động. Bởi trên thực tế, những lao động nữ, đặc biệt là lao động ngoài 35 tuổi như chị thường bị chủ sử dụng lao động, quản lý của công ty tìm cách cho nghỉ việc vì lý do "sức khỏe không còn phù hợp". Với những lao động kiên trì, nhẫn nhịn để làm việc, thì chủ sử dụng tìm cách bắt lỗi, phạt lương thưởng... để chấm dứt hợp đồng, tuyển dụng lao động trẻ hơn thay thế.
Còn chị Trần Thu Quỳnh, mới nghỉ việc tại tập đoàn V. Group, cho rằng, mối quan hệ lao động giữa chủ sử dụng và người lao động, trên thực tế "muôn hình vạn trạng" trong việc bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Chưa bàn tới chuyện đúng sai trong việc bị thôi việc, nhưng với người lao động luôn ở thế thiệt thòi hơn. Khi bị buộc thôi việc, kỷ luật thì bản thân người lao động sẽ bị giảm cơ hội việc làm tại công ty khác; đặc biệt là ngay lập tức mất đi nguồn thu nhập để lo cho sinh hoạt, gia đình, con cái. Chưa tìm được việc làm ngay thì người lao động chỉ biết trông vào nguồn tiền trợ cấp thất nghiệp.
Chị Trần Thu Quỳnh cũng cho rằng, quy định bị sa thải hoặc xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là chưa phù hợp với nguyên tắc "đóng - hưởng" được quy định trong pháp luật về BHXH. Bản thân người lao động phải trích tiền lương đóng Bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình lao động, lại không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị buộc thôi việc là chưa thuyết phục, không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 111 dự thảo Luật), ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Luật Việc làm 2013.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, "người lao động bị sa thải" được xác định là chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định pháp luật. Mặc dù lý do bị sa thải cơ bản là do người lao động vi phạm kỷ luật lao động nhưng cần xem xét hậu quả của việc người lao động bị sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động bị sa thải thường khó tiếp cận việc làm mới do đơn vị sử dụng lao động sẽ căn cứ lý do sa thải để từ chối tiếp nhận lao động. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lao động được tiếp tục tham gia vào việc làm chính thức, tiếp tục tham gia vào hệ thống BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Thực tế thị trường lao động hiện nay cho thấy, không ít doanh nghiệp muốn sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng đã thực hiện rất nhiều hình thức, mánh khóe như đẩy chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lên mức không thể thực hiện được, ban hành nội quy trừ lương, thưởng và các khoản thu nhập khác khi không bảo đảm được KPI, vi phạm các lỗi nhỏ trong quá trình làm việc... để trừ phần lớn lương, thưởng của người lao động, khiến người lao động rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thu nhập quá thấp, không đủ chi trả cho nhu cầu sống cơ bản hàng ngày. Thông qua đó, ép người lao động đơn phương chấm dứt hợp.
Thậm chí, một số doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi "giấu tay" như trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau về thông tin của người lao động, khiến người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công việc mới. Theo pháp luật hiện hành, các hành vi kể trên của doanh nghiệp đều không vi phạm quy định pháp luật.
Trong khi đó, dự thảo luật lại không cho phép người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khoảng thời gian khó khăn tìm kiếm công việc mới là không bảo đảm được mục đích của chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho người lao động thực sự khó khăn về việc làm. Theo đó, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu quy định phù hợp liên quan đến vấn đề tiếp tục tham gia BHXH của người lao động bị sa thải, trường hợp đơn vị sử dụng lao động không tiếp nhận lao động thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn