Hội thảo góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dưới góc độ giới do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng 5/11, trong đó, các ý kiến tập trung thảo luận nhằm đảm bảo tốt hơn bình đẳng giới theo hướng tạo điều kiện công bằng về cơ hội việc làm cho cả nam và nữ. Việc đảm bảo bình đẳng giới trong các chính sách lao động sẽ giúp tạo ra môi trường làm việc công bằng, góp phần nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được Ban tổ chức tập hợp và gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Đàm Thị Vân Thoa, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Chính sách - Luật pháp (Trung ương Hội LHPN Việt Nam), cho biết: Luật Việc làm hiện hành đã có những đóng góp quan trọng trong việc định hướng, điều chỉnh các chính sách liên quan đến lao động và việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, luật đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, ngày 9/11/2024, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày Tờ trình về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trước Quốc hội. Chiều cùng ngày, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ dự thảo Luật này.
Dự kiến, ngày 23/11/2024, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phiên thảo luận này sẽ được truyền hình trực tiếp tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Dự án Luật Việc làm (sửa đổi) lần này được xây dựng với mục tiêu tăng cường tính linh hoạt và hiện đại của hệ thống thông tin thị trường lao động, nhằm thúc đẩy sự kết nối cung - cầu lao động một cách hiệu quả, qua đó giúp cải thiện tính minh bạch và tăng cường khả năng dự báo về xu hướng lao động.
Một điểm mới quan trọng là việc bổ sung quy định về đăng ký lao động, giúp quản lý hiệu quả hơn nguồn lực lao động, qua đó đảm bảo người lao động dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và đào tạo nâng cao kỹ năng.
Nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại mới, dự thảo luật đã bổ sung các quy định về phát triển kỹ năng nghề, khuyến khích việc nâng cao trình độ chuyên môn cho người lao động, giúp họ thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động toàn cầu.
Bên cạnh đó, dự thảo mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (người ký hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên, người làm việc không trọn thời gian), chú trọng vào việc cải thiện cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động để giúp họ duy trì việc làm, qua đó giảm thiểu rủi ro thất nghiệp.
Theo bà Đàm Thị Vân Thoa, thực tế cho thấy, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động, tuy nhiên, họ vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: Mức lương thường thấp hơn so với nam giới ở nhiều lĩnh vực ngay cả khi họ có cùng trình độ và kinh nghiệm; Cơ hội thăng tiến hạn chế do gặp khó khăn trong việc tiếp cận các vị trí lãnh đạo và quản lý trong đó có một phần do định kiến về vai trò giới tính.
Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ phải cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình, dẫn đến khó khăn trong việc tham gia lâu dài trong thị trường lao động, nhất là khu vực lao động chính thức. Phụ nữ còn có thể gặp phải tình trạng phân biệt giới tính tại nơi làm việc, quấy rối tình dục và các hình thức bất công khác vẫn còn tồn tại ở nhiều công ty và tổ chức.
Góp ý, trao đổi và làm rõ nhiều nội dung cụ thể vào Dự án Luật Việc làm (sửa đổi), tại hội thảo, các đại biểu đến từ Cục Việc làm, Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Tư pháp và các chuyên gia, nhà khoa học cùng thảo luận tập trung vào các nội dung như: Các chính sách có tác động về giới như cho vay giải quyết việc làm, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề; Chính sách về bảo hiểm thất nghiệp về đối tượng tham gia, mức đóng, điều kiện hưởng; các chính sách phát triển việc làm bền vững...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn