Đưa bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vào thế giới ảo VR, giúp họ thực hiện tâm nguyện lúc cuối đời

19:18 | 23/02/2024;
"Nó đưa bạn từ thế giới này sang một thế giới khác tươi đẹp hơn", một bệnh nhân cho biết.

Điều cuối cùng mà các bác sĩ có thể làm cho một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là gì? Đó là chăm sóc giảm nhẹ.

Chăm sóc giảm nhẹ là một hoạt động chăm sóc y tế chuyên sâu dành cho những bệnh nhân mắc bệnh nghiêm trọng, không thể chữa khỏi và không còn phương pháp điều trị nào cả. Điều này nhằm làm dịu các triệu chứng đau đớn, cả về mặt thể xác lẫn tinh thần mà một bệnh nhân giai đoạn cuối phải chịu đựng.

Mục tiêu của chăm sóc giảm nhẹ không phải là chữa trị bệnh, mà là cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân trong những ngày tháng cuối đời. Thông thường, hoạt động này bao gồm việc cung cấp thuốc giảm đau morphine, tư vấn tâm lý và trị liệu cảm xúc.

Bây giờ, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Adelaide, Úc tự hỏi: Liệu họ có thể sử dụng thực tế ảo (VR) để cung cấp cho bệnh nhân các gói chăm sóc giảm nhẹ hiệu quả hay không?

Các nhà khoa học cho biết thế giới ảo là một môi trường rất tiềm năng. Nó có thể giúp bệnh nhân hoàn thành những tâm nguyện cuối đời, thứ mà họ có lẽ không còn sức khỏe để thực hiện trong đời thực.

Ví dụ, kính VR có thể đưa bệnh nhân trở lại quê hương, thực hiện một chuyến du lịch tới Châu Âu hoặc bước sang một thế giới hoàn toàn mới lạ, kỳ diệu mà họ muốn mình sẽ được ở đó sau khi trút hơi thở cuối cùng.

Một thử nghiệm với Meta Quest

Thực tế ảo (Virtual Reality-VR) là môi trường mô phỏng được tạo ra bởi máy tính. Nó cung cấp những trải nghiệm giả lập, mà ở đó người dùng có thể tương tác và "đắm chìm" trong một thế giới 3D.

Công nghệ VR hiện nay sử dụng các kính đeo mắt, bộ cảm biến chuyển động và thiết bị đầu ra âm thanh để mô phỏng cảm giác như đang ở trong môi trường thực, từ đó mang lại trải nghiệm chân thật và sinh động.

Với các đặc điểm này, VR đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, kiến trúc và cả giải trí…

"Nghiên cứu trước đây đã xem xét việc sử dụng VR trong chăm sóc giảm nhẹ nhưng chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu xem liệu các phiên VR được cá nhân hóa có giúp giảm thiểu đau đớn và trầm cảm ở bệnh nhân giai đoạn cuối hay không", các nhà khoa học viết trên tạp chí BJM.

960x0-1-1.webp

Thực tế ảo (VR) là môi trường mô phỏng được tạo ra bởi máy tính. Nó cung cấp những trải nghiệm giả lập, mà ở đó người dùng có thể tương tác và "đắm chìm" trong một thế giới 3D.

VR được cá nhân hóa có nghĩa là mỗi bệnh nhân sẽ được trải nghiệm một nội dung có ý nghĩa đối với cá nhân họ. Vì vậy, thay vì yêu cầu bệnh nhân lựa chọn các nội dung VR đại trà, có sẵn như đến một bãi biển hoặc đi vào rừng nhiệt đới, các bác sĩ sẽ phỏng vấn bệnh nhân trước phiên trị liệu của họ để thiết kế riêng một môi trường thực tế ảo phù hợp với họ.

Ví dụ, trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Australia cho biết họ nhận được tâm nguyện của một bệnh nhân là được trở lại Paris một lần nữa. Một số người di cư từ Anh đến Úc nói rằng họ muốn được đặt chân trở lại quê hương hồi nhỏ của mình. 

Trong khi đó, một người hâm mộ Star Wars nói rằng ông ấy muốn được đắm chìm trong thế giới của cuộc chiến giữa những vì sao.

Để thực hiện tất cả những tâm nguyện này cho bệnh nhân, các nhà khoa học đến từ Đại học Adelaide đã cho họ sử dụng kính thực tế ảo Meta Quest 2 được phát triển bởi Facebook. Có tổng cộng 16 bệnh nhân đã tham gia thử nghiệm.

Các bệnh nhân có độ tuổi từ 48 đến 87 tuổi, được cho sử dụng kính Meta Quest khoảng 20 phút mỗi phiên điều trị. Các ứng dụng VR chính mà họ sử dụng là Wander và YouTube VR, thường cho phép người dùng khám phá các địa điểm nổi tiếng và môi trường tự nhiên trên khắp thế giới thông qua hình ảnh 360 độ.

Sau mỗi phiên điều trị, bệnh nhân được hỏi cảm thấy như thế nào. Các bác sĩ cũng sẽ đánh giá sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của họ trước và sau phiên VR để đánh giá hiệu quả của liệu pháp mới.

12904_2022_1058_Fig1_HTML.png

Ảnh minh họa.

"Nó đưa bạn từ thế giới này sang một thế giới khác tươi đẹp hơn"

Đó là lời bộc bạch của một trong những bệnh nhân thử nghiệm chăm sóc giảm nhẹ bằng thực tế ảo. Một bệnh nhân khác nói rằng VR đã giúp họ "trút những gánh nặng trên vai" theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. "Khi phiên trị liệu kết thúc, tôi cảm thấy mình vẫn như đang lơ lửng".

"Tôi rất thích nó", một bệnh nhân nói. "Chà, tôi thà nằm đây và nghĩ về một con cá đang bơi, một buổi hòa nhạc của Willy Nelson còn hơn là chết".

"Nếu bạn cũng là một bệnh nhân giai đoạn cuối, ở vào hoàn cảnh của tôi, bạn sẽ muốn thực hiện rất nhiều điều còn dang dở. Bạn sẽ ước mình từng làm một điều gì đó, bạn muốn mình còn có cơ hội để thực hiện nó. Mặc dù là bạn không thể, nhưng VR sẽ giúp bạn có cảm giác như mình đã hoàn thành được tâm nguyện đó".

Trong toàn bộ nghiên cứu của mình, các nhà khoa học nhận thấy hơn 50% bệnh nhân báo cáo cảm giác tích cực sau phiên trị liệu với VR.

"Chúng tôi nhận thấy chỉ cần 20 phút đắm mình trong thực tế ảo đã có thể giúp bệnh nhân giảm ngay nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần. Ít nhất một nửa số người tham gia báo cáo sự thuyên giảm đáng kể sau một buổi trị liệu duy nhất. Sau một phiên, 2/3 số người tham gia báo cáo sự thuyên giảm", Gregory Crawford, một giáo sư về Y học giảm nhẹ tại Đại học Adelaide, tác giả của nghiên cứu cho biết.

file-20240219-28-18om6k.avif

"Nó đưa bạn từ thế giới này sang một thế giới khác tươi đẹp hơn".

Thế nhưng, bên cạnh các tác dụng tích cực, giáo sư Crawford thừa nhận liệu pháp VR có thể đem tới tác dụng phụ cho một số bệnh nhân. Chẳng hạn, có bệnh nhân nói họ thấy buồn nôn và chóng mặt sau khi bước ra khỏi thế giới ảo.

Một số nói rằng kính của Meta Quest khiến họ bị đau xương gò má. Vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân nói rằng họ cảm thấy tệ hơn sau buổi trị liệu.

"Thực tế ảo là một liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ hữu ích cho một số bệnh nhân – nhưng chưa phải tất cả", các nhà khoa học nhấn mạnh. "Nó chưa đạt tới độ một phương pháp điều trị phổ quát. Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ hơn bệnh nhân nào sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ VR và cách chúng ta có thể sử dụng nó tốt nhất".

Các nhà khoa học khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không nên tự ý thử nghiệm điều trị này cho người thân của mình. Mặc cho trên thị trường lúc này đã có nhiều thiết bị thực tế ảo cũng như ứng dụng hỗ trợ chúng.

"Điều cần nhớ là bạn cần có một đội ngũ nhân viên có tay nghề cao để hỗ trợ bệnh nhân sử dụng VR. Sẽ không tốt nếu bạn chỉ mua một bộ kính VR cho bệnh nhân rồi bảo họ tự sử dụng nó", giáo sư Crawford nói.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn