Có ai đó đã từng nói, tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh, nếu bố mẹ vô tình bỏ qua thì sẽ nuối tiếc bởi lỡ mất khoảnh khắc quan trọng trên quãng đường trưởng thành của bé. Hiểu thấu điều này, chị Thuỳ Dương (27 tuổi, sống tại Hà Nội) và chồng là anh Sơn đã sắp xếp, cố gắng dành thời gian cho con gái là em bé Mây (18 tháng tuổi) nhiều nhất có thể.
Đây chính là quan điểm của chị Dương và anh Sơn ngay từ khi em bé Mây được 3, 4 tháng tuổi, lúc con đã có thể ra ngoài chơi được nhiều. Khi chia sẻ quan điểm này trên mạng xã hội, bà mẹ trẻ đã nhận được sự đồng tình của rất nhiều phụ huynh khác. Mọi người bình luận tag chồng/vợ và đó là lúc chị Thuỳ Dương biết biết rằng suy nghĩ của mình trùng với suy nghĩ của số đông.
"KPI là Key Performance Indicator, trong công việc thì chúng ta hiểu từ này có nghĩa là chỉ số đánh giá thực hiện công việc, là một công cụ đo lường. Vậy mình nói việc đưa con đi chơi nên là KPI của bố mẹ là bởi thời đại này, mình thấy cuộc sống ngày càng bận rộn, những người làm bố, làm mẹ như mình có thời gian dành cho công việc chiếm quá nhiều, mình đang chạy theo KPI ở công ty nên đôi khi quên mất việc đưa con đi chơi, dành thời gian chất lượng cho con nên mình nói vui là nên biến việc đưa con đi chơi thành KPI để bố mẹ không thể quên và buộc phải làm y như KPI ở công ty vậy", chị Dương tâm sự.
KPI trong việc đưa con đi chơi thì không phải áp lực, bởi đi chơi mà là áp lực thì chẳng ai muốn đi chơi nữa cả, nhưng nó là việc phải làm - trong quan điểm của mình bởi các yếu tố sau đây:
Khoảnh khắc cả gia đình nhỏ cùng đi chơi.
- Người lớn được đi chơi còn rất thích nói chi em bé, nên khi đưa con đi chơi đồng nghĩa với việc bé con sẽ rất vui. Làm bố, làm mẹ, ai mà chẳng mong được nhìn con vui vẻ đúng không?
- Một tuần có 7 ngày, bố mẹ đã đi làm từ 5-6 ngày rồi, nên chỉ còn từ 1-2 ngày để đưa con ra ngoài thay đổi không khí. Với mình thì đó không phải việc quá khó làm nếu chúng ta biết cách sắp xếp thì việc đưa con ra ngoài 1-2 tiếng mỗi tuần là điều hoàn toàn có thể.
- Ra ngoài, con được tiếp xúc với không khí ngoài trời, được gặp gỡ nhiều người hơn, được ngắm thiên nhiên, tất cả những điều này đều rất tốt cho sự phát triển của con trẻ.
- Ra ngoài, bố mẹ mới có điều kiện để quan sát cách con phản ứng với mọi việc, cách con cư xử với người lạ, từ đó hiểu con mình là em bé thế nào và có cách nuôi dạy phù hợp hơn.
Mỗi ngày, chị Dương đều dành khoảng 3 tiếng không điện thoại để chơi và nói chuyện cùng con sau khi con đi học về cho tới khi con đi ngủ giấc đêm. Bên cạnh đó, hai vợ chồng mỗi tuần cũng đưa con ra ngoài chơi khoảng 3-4 tiếng.
"Thời gian dành cho con cần thiết không có quy chuẩn, phụ thuộc vào điều kiện và giờ giấc sinh hoạt của mỗi gia đình. Tuy nhiên, bố mẹ nên hiểu rõ tầm quan trọng của việc dành thời gian cho con, từ đó sẽ tự biết dành bao nhiêu là phù hợp, là cần thiết với bé con của mình.
- Việc bố mẹ quá bận không có nhiều thời gian cho con, đầu tiên, người thiệt thòi sẽ là bố mẹ vì thời gian không chờ ai, bé con cũng không nhỏ mãi, sẽ tới một ngày con lớn và xa dần vòng tay bố mẹ. Khi ấy, bố mẹ muốn quay lại thời gian bế bồng, cưng nựng như xưa cũng không được nữa.
Tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh nên bố mẹ đừng bỏ lỡ nhé.
- Thứ hai, việc không dành thời gian cho con sẽ khiến bố mẹ không hiểu được con mình có tính cách thế nào, thích điều gì, ghét điều gì, từ đó không có phương pháp dạy con phù hợp.
- Thứ ba, việc không dành thời gian cho con sẽ khiến con nít dần trở nên thu mình, ưa chơi một mình, điều này không tốt cho phản xạ cộng đồng của con.
Nếu bên con mà tay cầm điện thoại, ipad, là đầu óc chúng ta đang tập trung vào việc khác chứ đâu có giao tiếp, quan sát con. Như thế được gọi là đang "ngồi gần" con chứ không phải đang dành thời gian cho con. Dành thời gian cho con có nghĩa là cùng con nói chuyện, vui chơi, giao tiếp và quan sát con mình", bà mẹ trẻ nhận định.
Theo quan điểm của chị Dương, bố là bố, mẹ là mẹ, nên bố dành thời gian cho con là KPI của bố, mẹ dành thời gian cho con là KPI của mẹ và bố mẹ cùng dành thời gian cho con là KPI chung. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào điều kiện gia đình, nhiều nhà bố hoặc mẹ đi làm xa hoặc quá bận thì người còn lại nên cố gắng dành nhiều thời gian hơn để bù đắp lại khoảng trống cho con.
"Dành thời gian cho con theo mình nghĩ thì là ở bên con, nói chuyện với con, quan sát con, không nhất thiết phải đi du lịch xa sang chảnh. Đôi khi chỉ cần đưa con ra công viên gần nhà, hoặc đi dạo quanh xóm, đi ra sân cầu lông trong khu nhà cũng là quá tuyệt vời rồi.
Dành thời gian cho con không liên quan đến kinh tế gia đình đâu mọi người ạ, đừng nghĩ phải giàu mới dành được thời gian cho con. Có thể vì cơm áo gạo tiền mà chúng ta quá bận rộn với công việc nhưng 1-2 tiếng off điện thoại mỗi ngày và 1-2 tiếng đưa con đi ra ngoài hít không khí mỗi tuần thì mình nghĩ là có thể sắp xếp được, nếu bố mẹ muốn", chị Thuỳ Dương trải lòng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn