Tháng 4 là lúc vụ dứa bắt đầu rộ, dứa ngọt và nhiều nước hơn. Mua dứa trong khoảng thời gian này xác suất bạn sẽ gặp nhiều quả ngọt và mùi thơm tự nhiên hơn. Hàm lượng vitamin C trong dứa cao gấp 5 lần táo, bởi vậy ăn dứa không chỉ giúp cấp ẩm cho da mà còn mang đến cho bạn làn da trắng sáng, căng khỏe.
Khi chọn mua dứa, người thông thái nhìn thấy những quả dứa như thế này sẽ tránh không mua, đến người bán hàng cũng sẽ không ăn. Dứa vào mùa tuy ngon nhưng nếu không chọn khéo thì vẫn sẽ mua phải những quả nhạt, hoặc chua nhiều và không thơm.
Dứa gọt sẵn bán rất nhiều ngoài chợ. Tuy nhiên bạn sẽ khó kiểm chứng được độ tươi và ngọt như mong muốn. Muốn chọn được quả dứa ngon, trước hết bạn phải dựa vào độ cứng.
Chạm vào quả dứa nếu thấy vỏ dứa rất già, màu vàng sậm thì bên trong dứa cũng bị chín quá, ăn mềm không còn độ giòn ngon. Cầm thấy nặng tay nhưng thực tế phần thịt dứa không còn tươi, nhiều nước nhưng cũng không ngọt. Nếu bạn thấy quả dứa cầm vào mềm nhũn thì dứa không còn tươi.
Tiếp theo là nhìn vào mắt dứa. Dứa tới độ là mắt nở đều, căng nhưng sát nhau. Những quả dứa như vậy giữ được độ ngọt. Nếu phần mắt dứa quá thưa thì độ ngon kém hơn và dễ bị chua.
Nhiều người bán hàng chào mời dứa mới gọt vừa ngon lại tươi nhưng bạn nên cân nhắc điều này. Bạn có thể chọn dứa tại chỗ và nhờ người bán hàng gọt vỏ luôn trực tiếp nếu bạn ngại công đoạn này vì chúng khá tốn thời gian và cần chút khéo léo.
Gọt dứa không hề khó, bạn chỉ cần chút thời gian và sự khéo léo. Cắt phần đầu và đuôi quả dứa, gọt một lớp vỏ mỏng bên ngoài. Đặt dao nghiêng 45 độ, khía nhẹ các đường mắt dứa theo hình chữ V, không quá sâu là được.
Thêm một mẹo nhỏ khi chọn dứa là bạn quan sát phần túm lá xanh (cuống dứa). Phần này càng xanh tươi càng tốt. Điều đó chứng tỏ dứa mới hái và còn tươi. Nếu chúng héo úa hoặc mềm oặt chuyển màu thì dứa đã hái lâu, dễ bị hỏng và mùi vị không còn tươi.
Sau khi mua dứa về, bạn nên gọt vỏ, sát trùng qua với nước muối loãng để đảm bảo chất lượng của quả dứa. Dứa có thể ăn trực tiếp không qua chế biến hoặc làm nước ép, sinh tố. Ngoài ra, bạn có thể làm phần mứt dứa để tủ lạnh sử dụng dần cũng rất tiện.
Dứa quả - lượng tùy thích, đường phèn hoặc đường cát - lượng thích hợp.
Bạn có thể làm bao nhiêu tùy thích, tuy nhiên nên làm định lượng vừa phải để ăn hết trong thời gian ngắn sẽ đảm bảo cho thịt dứa được tươi ngon nhất.
Dứa mua về gọt vỏ hoặc bạn có thể nhờ người bán hàng gọt giúp. Rửa sạch qua nước muối loãng, để ráo. Bổ đôi quả dứa làm hai phần. Cắt nhỏ dứa và cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
Cho phần thịt dứa đã xay nhuyễn vào chảo chống dính. Thêm đường phèn hoặc đường trắng. Đun trên lửa lớn, hạ lửa nhỏ sên từ từ khi chúng sôi. Đến khi đường tan hết và phần mứt dứa sánh lại, sền sệt, phần cùi trở nên trong là được.
Để nguội và cho vào lọ thủy tinh. Trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn dùng thìa gỗ sạch múc từng thìa ra là được. Mứt dứa bạn có thể ăn kèm với bánh mì sandwich hoặc pha nước uống giải khát.
Chúc bạn thực hiện mứt dứa thành công!
Làm phân bón rau hoa
Đừng vội vứt vỏ dứa đi sau khi gọt. Chúng có thể tái chế rất tốt để tạo ra enzym dứa. Dùng vỏ dứa ngâm để làm phân bón tự nhiên thân thiện với môi trường. Nếu ban công hoặc khoảnh vườn nhỏ nhà bạn có trồng rau, hoa thì hãy áp dụng mẹo nhỏ này.
Vỏ dứa mang cắt nhỏ, trộn nước, vỏ dứa và đường theo tỉ lệ 10:3:1. Cho vào thùng hoặc lọ thủy tinh đậy kín. Khoảng hai tuần sau là dã có men dứa, mang tưới cây và hoa cực kỳ tốt.
Tẩy sạch vết cặn đen ở đáy nồi
Nồi sử dụng lâu ngày dưới đáy sẽ tích tụ lớp cặn đen. Nếu cọ rửa thông thường không giúp bạn loại bỏ được điều này bạn hãy thử dùng vỏ dứa. Chỉ cần lấy mặt thịt phần vỏ dứa chà đi chà lại lên đáy nồi, vết bẩn sẽ được loại bỏ. Nếu vết bẩn cứng đầu hơn, hãy dùng kèm baking soda.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn