Chia ca để giãn cách: Khó cũng phải làm?
Con số các tỉnh, thành phố cho HS quay lại trường hiện có là hơn 30 và sẽ tăng dần trong thời gian tới do diễn tiến khả quan của công tác phòng chống dịch Covid-19. Với Hà Nội, lịch học tập trở lại dự kiến thực hiện giãn đều trong tháng 5. Theo đó, HS khối 9 và khối 12 đi học vào ngày 4/5 để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp và thi THPT quốc gia. Sau đó 2 tuần, các khối 5, 6, 7, 8, 10, 11 sẽ đến trường. Cuối tháng 5, các lớp còn lại của bậc tiểu học đi học trở lại. HS mầm non sẽ quay lại trường từ đầu tháng 6/2020.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn các các sở giáo dục trong cả nước về điều kiện bảo đảm an toàn cho HS. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh cần "bố trí chỗ ngồi giữa hai HS có khoảng cách phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế", theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường bảo đảm giãn cách ngoài lớp học, phòng làm việc theo quy định. Việc đeo khẩu trang cần đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, bỏ rác đúng nơi quy định...
Quy định giãn cách 1,5m trong lớp học rất khó khả thi. Để bảo đảm cự ly này, chỉ khoảng 1/2 sĩ số HS có thể ngồi học. Điều này đồng nghĩa với việc khi HS đi học trở lại sẽ phải tách 1 lớp thành 2 đến 3 lớp khác. Điều đó không thể đảm bảo đủ điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất và chế độ cho thầy cô.
Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, TP Hà Nội
Theo nhận định của lãnh đạo các trường ở Hà Nội, với sĩ số lớp 40-50 HS, diện tích phòng học gần 50 m2, yêu cầu khoảng cách tối thiểu 1,5 m với học sinh trong lớp học là quá khó thực hiện. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Hoàn Kiếm, cho hay, diện tích mỗi lớp học là 48m2, sĩ số lớp ít nhất 40 HS, nhiều nhất 54 HS. Như vậy, dù kê bàn ghế so le, các lớp học này bắt buộc phải tách làm 3 mới bảo đảm theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đây cũng là khó khăn của TP.HCM khi nhiều nhà trường cho biết rất khó bố trí nhân lực vật lực để thực thi việc giãn cách.
Giúp học sinh trở lại guồng
Đây cũng là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm sau thời gian gần 3 tháng học sinh nghỉ học, phải học trực tuyến, học từ xa. Chia sẻ về điều này, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho hay, việc đầu tiên khi học sinh trở lại trường là giáo viên sẽ rà soát các em chưa có điều kiện học trực tuyến để xây dựng phương án hỗ trợ, dạy phụ đạo, bảo đảm các em hòa nhập cùng các bạn sau 1 – 2 tuần. Các trường dạy học theo chương trình tinh giản của Bộ GD&ĐT, những bài không quan trọng sẽ để học sinh tự nghiên cứu ở nhà, tránh áp lực cho học sinh.
Đại diện Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cũng khẳng định, khi học sinh đến trường, ngoài việc giáo viên rà soát và củng cố kiến thức, sở sẽ có kế hoạch cụ thể việc ôn thi THPT quốc gia và thi tuyển sinh vào lớp 10 để giúp các em nhanh chóng lấy lại ổn định cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT là trường học phải an toàn mới đón học sinh quay trở lại. Các em học sinh phải an toàn thì mới đến trường. Do vậy, với những địa phương có nguy cơ cao và nguy cơ, Bộ GD&ĐT khuyến nghị chưa nên cho học sinh đi học trở lại. Còn với những địa phương mức độ dịch nguy cơ thấp có thể cho học sinh đi học trở lại nếu đảm bảo các điều kiện an toàn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Tại Hải Phòng, theo đại diện Sở GD&ĐT, thành phố triển khai thuận lợi việc dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, được Bộ GD&ĐT ghi nhận bằng việc được chọn cung cấp nhiều bài giảng đến Chương trình dạy học cho học sinh cả nước. Với hiệu quả trên cùng 98% học sinh học trực tuyến, khi học sinh trở lại trường, thành phố tiếp tục triển khai dạy bài mới cho học sinh THPT và THCS, bậc Tiểu học tiếp tục ôn tập kiến thức đã học. Trong thời gian tới, khi trở lại trường học, các em có thể tiếp tục chương trình học mà không gặp khó khăn.
Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu học sinh khối 9 và 12 trở lại trường vào ngày 4/5 theo dự kiến, học sinh sẽ có 10 tuần, Hà Nội vẫn đáp ứng được bởi Bộ GD&ĐT đã có tinh giản chương trình. Đối với các khối lớp khác, Sở đã tính phương án lùi còn 6 và 8 tuần. Trong thời gian đó, các em vẫn học từ xa. Thời gian còn lại, Sở sẽ sắp xếp để cung cấp kiến thức cho các em học sinh và tiến hành một số bài kiểm tra định kỳ. "Về phương thức đánh giá học sinh trong thời gian học trực tuyến, Sở kết hợp với đánh giá trực tiếp khi học sinh quay trở lại trường. Đối với một số em có kết quả học trực tuyến không tốt, Sở có kế hoạch chỉ đạo các nhà trường rà soát, với học sinh còn yếu, nhà trường sẽ có biện pháp để phụ đạo với những học sinh này. Việc kiểm tra đánh giá phải theo chuẩn kiến thức và được tiến hành, giám sát chặt chẽ" – ông Tiến cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn