Đưa nghề tráng mỳ Quảng truyền thống vào du lịch trải nghiệm

14:05 | 22/08/2019;
“Ai đi cách trở Sơn Khê. Nhớ tô mỳ Quảng, tình quê mặn nồng”… Đến Quảng Nam, người ta không thể nào bỏ qua món mỳ Quảng, một món ăn dân dã mang hương vị đặc trưng. Nhờ lợi thế này mà chị Võ Thị An (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp bằng mô hình “Phát triển nghề tráng mỳ truyền thống gia đình gắn với du lịch trải nghiệm”.

Mô hình “Phát triển nghề tráng mỳ truyền thống gia đình gắn với du lịch trải nghiệm” của chị Võ Thị An đã đoạt giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Hội LHPN huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) tổ chức vào tháng 5/2019. Đây là cuộc thi nhằm khơi dậy tinh thần và khả năng sáng tạo của phụ nữ Duy Xuyên, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

 

11.jpg
Mô hình của chị An (ngoài cùng bên phải) nhận giải Ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” do Hội LHPN huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) tổ chức 

 

Gắn bó với nghề tráng mỳ bỏ sỉ cho các quán mỳ hơn 20 năm nay, chị An hiểu đến từng chi tiết các công đoạn tráng mỳ. Mỗi công đoạn từ lựa gạo, xay bột, tráng mỳ… đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo. Tuy nhiên, theo thời gian số lượng người làm nghề truyền thống này dần ít đi. Chị luôn đau đáu trong lòng làm cách nào để vừa giữ nghề truyền thống gia đình vừa phát triển kinh tế ổn định.

Giữa lúc đó, một tín hiệu vui đã đến, vào tháng 7/2010, ngôi làng Trà Nhiêu nơi chị sinh sống được UBND tỉnh công nhận là làng du lịch sinh thái cộng đồng. Cùng với đó, cầu Cẩm Kim được khánh thành đã rút ngắn đoạn đường từ Phố cổ Hội An đến xã Duy Vinh nên du khách đến tham quan cũng tăng cao trong thời gian gần đây.

Chị An cho biết, chính vì Duy Vinh ngày càng đông du khách nên chị đã hình thành ý tưởng khởi nghiệp là phát triển nghề tráng mỳ truyền thống gia đình gắn với du lịch trải nghiệm. Tức là dựa trên những xu thế phát triển du lịch cộng đồng hiện nay, trên cơ sở sẵn có về cơ sở vật chất và vốn nghề truyền thống của gia đình để phát triển kinh tế.

 

a1.jpg
Lò mỳ truyền thống nhà chị An

 

“Cụ thể là ngoài bán mỳ ký như thường ngày thì tôi liên kết với các công ty lữ hành, làm hợp đồng tour hướng dẫn, trải nghiệm tráng mỳ và nấu mỳ Quảng cho du khách. Sau đó, chính du khách sẽ thưởng thức tô mỳ do mình nấu”, chị An chia sẻ.

Chị Ngô Phương Trinh, một du khách đến từ Hà Nội, nhận xét: “Trong dịp đi du lịch cùng với gia đình đến Hội An, Quảng Nam. Các hướng dẫn viên đã đưa gia đình tôi thăm quan làng rau Trà Quế, khu nhà phố cổ, làng bắp Cẩm Thanh và thú vị nhất là làm mỳ Quảng tại lò mỳ chị An. Các con của tôi rất thích thú khi được trải nghiệm một công việc mới lạ như thế này”.

Hiện nay, chị An đã tiến hành thử nghiệm một số tour với các đoàn khách du lịch tham quan Duy Vinh với hình thức trải nghiệm cùng nghề tráng mỳ. Tour thành công và được các doanh nghiệp lữ hành cũng như du khách đánh giá cao. Ước tính mỗi ngày cơ sở của chị An đón khoảng 40 - 50 khách, thu mỗi người 30 nghìn đồng/tô mỳ Quảng và tiền tham gia trải nghiệm, mỗi tháng chị An thu nhập 15 - 20 triệu đồng.

Bà Phan Thị Lanh - Chủ tịch Hội LHPN xã Duy Vinh (Duy Xuyên, Quảng Nam) - cho biết, trên địa bàn mỗi ngày có khoảng 100 - 150 lượt khách đến tham quan, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề truyền thống. “Chính vì vậy, mô hình của chị An sẽ là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch. Nếu phát triển, có thể liên kết với nhiều lò mỳ khác tại địa phương, tạo nên chuỗi làng nghề truyền thống để quảng bá cho du khách, góp phần cùng địa phương phát triển ngành nghề du lịch dịch vụ”.

 

a2.jpg
Du khách thưởng thức Mỳ Quảng

 

Bà Trần Thị Minh Yến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) - chia sẻ: “Nhiều ý tưởng khởi nghiệp đang/sẽ đi vào hoạt động được Hội LHPN huyện đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Đồng thời cũng vận động, khuyến khích hội viên tiếp tục khởi nghiệp sáng tạo bằng những ý tưởng khả thi và gần gũi nhất để mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện”.

Mô hình “Phát triển nghề tráng mỳ truyền thống gia đình gắn với du lịch trải nghiệm” của chị An là một hình thức quảng bá du lịch tại địa phương, qua đó giới thiệu hình ảnh mảnh đất và con người xã Duy Vinh nói riêng và huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nói chung đến với du khách quốc tế. Đặc biệt, qua việc tráng mỳ và nấu mỳ Quảng tại chỗ có thể quảng bá rộng rãi đến bạn bè nước ngoài về món ăn đặc trưng của xứ Quảng và Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn