Khi bàn về yêu cầu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Marie Curie (Hà Nội), cho biết, hơn 10 năm nay, trường đã đầu tư rất lớn vào môn tiếng Anh.
Trình độ học sinh của trường cao hơn mặt bằng chung của các trường công lập, vượt xa chuẩn của Bộ GD-ĐT nhưng để đạt yêu cầu "tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường" thì chưa được.
Theo ông Nguyễn Xuân Khang, đây là một vấn đề lớn, không dễ thực hiện, không thể làm được trong vài ba thập kỷ nhưng phải bắt tay từ bây giờ "từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" như Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, ông Nguyễn Xuân Khang cho rằng, đầu tiên cần làm điểm, sau đó nhân rộng ra, với tinh thần chung là nơi nào làm trước được thì làm, môn nào làm trước được thì làm và khuyến khích các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… làm trước.
Các thành phố này cũng cần "bật đèn xanh" cho một số trường có điều kiện dạy bằng tiếng Anh một số môn học như toán, lý, hóa, sinh… Đã dạy bằng tiếng Anh thì thôi dạy bằng tiếng Việt. Môn học dạy bằng tiếng nào thì kiểm tra và thi (tuyển sinh, tốt nghiệp) bằng tiếng đó.
Bên cạnh đó, ông Khang cũng chỉ rõ cần triển khai dạy bằng tiếng Anh với một số ngành, nghề bậc đại học, cao đẳng như ngành công nghệ thông tin, công nghệ bán dẫn, hàng hải, hàng không, du lịch, khách sạn…
Được biết, trước yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, trước khi vào năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP Hà Nội đã triệu tập 1.900 giáo viên tham gia khóa đào tạo nâng chuẩn tiếng Anh quốc tế theo đề án ngoại ngữ quốc gia.
Đây là các giáo viên đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và đang giảng dạy tại các cấp học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, trong đó có việc tổ chức các khóa đào tạo nâng chuẩn trình độ cho giáo viên tiếng Anh ở trong nước và nước ngoài.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhìn nhận, nhiều quốc gia đã và đang triển khai thành công mô hình giáo dục song ngữ, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Từ kinh nghiệm quốc tế, theo ông Hiếu, cần tập trung vào một số giải pháp như: Xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh thuận lợi, khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.
Đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh, chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, ứng dụng tiếng Anh trong thực tế. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các môn học có trình độ tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu dạy học trong môi trường hội nhập quốc tế.
ăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, học tập kinh nghiệm tiên tiến từ các nước đã thực hiện thành công trong việc phát triển các chương trình giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 trong trường học và các nước có nền giáo dục phát triển.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Trong đó, có các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam...
"Chúng ta cần 5 trụ cột chính là quản lý nhà nước, các nhà khoa học-chuyên gia, nhà đào tạo, nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để thực hiện đề án mang tính quốc gia này.
Theo tôi, đến năm 2025 có thể xây dựng xong đề án này và xác định rõ lộ trình cũng như các giải pháp thực hiện. Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định các giải pháp trước mắt, lâu dài và đột phá. Như thế, cách làm đồng bộ nhưng phải xác định đâu là giải pháp đột phá, không dàn hàng ngang, nơi nào có điều kiện phù hợp thì thực hiện.
Khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện như TPHCM sẽ là đầu tàu dẫn dắt, định hướng việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả", Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn