Trong điều kiện sống tốt như hiện nay, những đứa trẻ có cơ hội được hấp thụ dinh dưỡng và có môi trường thích hợp để phát triển tối ưu về thể chất lẫn tinh thần. Sở hữu một chiều cao tốt sẽ là lợi thế cho trẻ trong việc học tập, vui chơi, vì thế nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm đến điều này. Dưới đây là 4 bộ phận của trẻ có thể "dự đoán" chiều cao trong tương lai, các bố mẹ có thể tham khảo.
Chiều dài ngón tay
Nếu quan sát thấy em bé nhà bạn có ngón tay dài hơn so với bạn bè đồng trang lứa thì đây là tín hiệu tốt cho thấy con có khả năng cao lớn trong tương lai. Hầu hết những người có chiều cao tốt đều sở hữu ngón tay mảnh mai, dài. Điều này là do các bộ phận trên cơ thể của một người cân đối theo một tỷ lệ nhất định, và xương ngón tay của những người cao sẽ dài ra tương ứng.
Chiều dài cánh tay
Cánh tay cũng là một trong những bộ phận trên cơ thể phản ánh chiều cao của một người. Bố mẹ có thể quan sát cánh tay của con trong tư thế duỗi thẳng, hai bàn tay mở ra. Một đứa trẻ có hai cánh tay dài thẳng, thon thả cho thấy xương của trẻ dài ra và chiều cao cũng cao lên một cách tự nhiên. Đây cũng là dấu hiệu dự đoán chiều cao của trẻ trong tương lai có thể nhỉnh hơn các bạn bè cùng trang lứa.
Chiều dài bắp chân
Theo nghiên cứu, những người có xương ống chân dài hơn (xương cẳng chân) sẽ có xu hướng cao hơn trong tương lai. Vì vậy, nếu bắp chân của trẻ mảnh mai, chứng tỏ xương chi dưới của trẻ sẽ phát triển tốt hơn.
Bàn chân
Giữa chiều dài bàn chân của trẻ và chiều cao có sự tương quan nhất định. Có một công thức tính toán sơ bộ cho chiều cao và chiều dài bàn chân như sau: chiều cao người lớn = chiều dài bàn chân 13 tuổi (cm) x 7 ± 3 cm. Vì vậy, nếu các mẹ nhận thấy chân bé phát triển nhanh, đặc biệt là tần suất thay giày nhiều thì chắc chắn bé sẽ cao hơn trong tương lai.
Theo bác sĩ Vincent Iannelli, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Y khoa Tây Nam Texas ở Dallas (Mỹ) thì cha mẹ có thể sử dụng 3 phương pháp để dự tính chiều cao của trẻ trong tương lai.
Phương pháp nhân đôi chiều cao
Phương pháp này rất đơn giản, cha mẹ chỉ cần đợi khi trẻ được tròn 2 tuổi thì đo chiều cao của chúng và nhân đôi chiều cao đó lên. Vậy là bạn đã có con số chiều cao trong tương lai của trẻ một cách tương đối rồi đấy.
Ví dụ: nếu con gái bạn cao 83cm khi bé 2 tuổi, thì có thể bé sẽ cao khoảng 166cm khi trưởng thành.
Cách tính là: 83 x 2 = 166cm.
Ngoài ra, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ chỉ ra rằng con gái thường phát triển nhanh hơn con trai. Do đó, bạn có thể có được con số dự đoán chính xác hơn cho con gái mình bằng cách sử dụng chiều cao của cô bé lúc 18 tháng.
Phương pháp đường cong
Phương pháp đường cong là một phương pháp rất dễ để cha mẹ dự đoán được chiều cao tiềm năng của con mình. Phương pháp này dựa vào các biểu đồ chiều cao tiêu chuẩn được các bác sĩ nhi khoa sử dụng để theo dõi sự phát triển của trẻ.
Hiện tại, các biểu đồ tăng trưởng cho trẻ em ở Hoa Kỳ được cung cấp từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Bạn sẽ sử dụng biểu đồ chiều cao theo tuổi cho riêng bé trai và bé gái.
Nếu đường phát triển chiều cao của trẻ ổn định thì bạn có thể dựa vào đường đó để dự báo khá chính xác chiều cao trong tương lai của bé.
Phương pháp dựa trên chiều cao của cha mẹ
Trong tất cả các phương pháp dự đoán chiều cao, đây có lẽ là cách tính chính xác nhất, bởi nó dựa trên chiều cao trung bình của cha mẹ. Đây được gọi là phương pháp tính chiều cao giữa cha và mẹ hoặc phương pháp Tanner.
Để dự đoán chiều cao của trẻ bằng phương pháp này, cha mẹ chỉ cần:
- Ghi lại chiều cao thực tế của mẹ.
- Ghi lại chiều cao thực tế của cha.
- Tính theo công thức:
* Chiều cao trưởng thành của bé trai khi lớn (cm) = (chiều cao bố chiều cao mẹ) ÷ 2 6,5.
* Chiều cao trưởng thành của bé gái khi lớn (cm) = (chiều cao bố chiều cao của mẹ) ÷ 2 – 6,5.
Ví dụ: nếu bố cao 170cm và mẹ cao 160cm thì chiều cao trong tương lai của con sẽ là:
* Con trai: (170 160) ÷ 2 6,5 = 171,5cm.
* Con gái: (170 160) ÷ 2 – 6,5 = 158,5cm.
Công thức tính chiều cao dựa trên phương pháp di truyền này có thể có sai số là từ 5 đến 10cm.
Mặc dù không có công thức dự đoán chiều cao nào chính xác 100%, nhưng đây là những cách thú vị để cha mẹ thử đánh giá xem con bạn có thể cao bao nhiêu khi trưởng thành.
Yếu tố di truyền
Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao. Tuy nhiên, bên cạnh di truyền thì chế độ dinh dưỡng tác động lớn đến chiều cao hơn cả gen di truyền. Theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, sự tăng trưởng thể chất, tầm vóc của trẻ chịu tác động trực tiếp của chế độ dinh dưỡng. Chiều cao của trẻ chỉ bị ảnh hưởng khoảng 23% từ yếu tố di truyền (gen của ông bà, cha mẹ) ngoài ra dinh dưỡng lại đóng góp đến 32%; chế độ vận động, thể dục thể thao quyết định 20%. Còn lại là những yếu tố của môi trường sống, bệnh mãn tính và bẩm sinh, chế độ nghỉ ngơi...
Thời kỳ mang thai và sinh đẻ
Trong quãng thời gian mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng đến trọng lượng và chiều dài tăng trưởng của thai nhi. Chính vì vậy trước và trong thời kỳ mang thai, thời gian cho con bú, người mẹ phải ăn uống đầy đủ các dưỡng chất quan trọng đó là chất đạm, sắt, acid folic, các acid béo chưa no (DHA)... để con phát triển khỏe. Sinh con thiếu tháng và nhẹ cân dễ dẫn đến thiếu chiều cao sau này.
Sai lầm trong việc nuôi con
Chế độ ăn nhiều đạm, uống ít sữa, ăn nhiều chất béo và bột, đường nhưng lại thiếu vitamin và chất khoáng dẫn đến thiếu chiều cao. Trong nhóm vitamin và khoáng chất thì canxi, phốt pho, kẽm, sắt... là nhiều và quan trọng nhất. Nhóm này có nhiều trong sữa và chế phẩm sữa. Vì vậy, để tăng chiều cao, trẻ nên ăn uống đa dạng, phù hợp với lứa tuổi và uống sữa đều đặn hàng ngày.
Thói quen ít vận động, đi ngủ muộn
Các bậc cha mẹ ngày nay chăm sóc con quá kỹ: không cho con tự vận động, đi đâu cũng đưa đón, trẻ ít vận động ngoài trời và ngồi xem tivi, đọc truyện, say mê vi tính thay vì chơi thể thao, tập thể dục các môn giúp tăng chiều cao như đạp xe, đi bộ, bơi lội, bóng rổ, cầu lông... Bên cạnh đó, mọi gia đình có khuynh hướng ngủ muộn (sau 22 giờ) làm rút ngắn giấc ngủ sâu. Một giấc ngủ sâu bắt đầu từ khoảng 21 giờ, khoảng 22 giờ đến 3 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra hormon tăng trưởng cao nhất, kích thích xương dài hơn.
Môi trường sống
Xã hội công nghiệp hóa, không khí ô nhiễm, trẻ hút thuốc thụ động, tiếng ồn, dịch bệnh, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, các bệnh mãn tính, sử dụng thuốc kháng sinh liều cao liên tục trong thời gian dài, dùng thuốc thiếu sự tư vấn của bác sĩ cũng gây hại cho quá trình phát triển về thể chất và chiều cao của trẻ.
Dậy thì sớm
Dậy thì sớm là hiện tượng bé gái dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi và bé trai trước 9 tuổi. Dậy thì sớm thường tiết ra các hormone kích hoạt sự phát triển xương khiến trẻ cao lên rất nhanh. Tuy nhiên, các đầu xương sau đó nhanh chóng đóng lại khiến trẻ không tiếp tục cao thêm, những trẻ bị dậy thì sớm thường thấp hơn bạn cùng lứa và không đạt đến chiều cao mà gen di truyền của trẻ quy định. Do đó, dậy thì sớm là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển chiều cao ở trẻ vị thành niên.
Thừa cân, béo phì
Trẻ thừa cân, béo phì thường cao lớn hơn so với tuổi nhưng khi đến tuổi dậy thì, chiều cao ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè. Cùng lúc đó tâm lý tuổi mới lớn sợ béo muốn giảm cân nhanh nên ăn uống kiêng khem, thiếu chất cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến thể lực và chiều cao sau này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn