Đức: Phụ nữ vẫn phải làm phần lớn các công việc không được trả lương

11:50 | 01/11/2018;
Đó là chia sẻ của TS Sina Fontana MLE đến từ ĐH Tổng hợp Georg August Gottinggen (Đức). Cô cho biết: “Vẫn tồn tại những quan điểm cho rằng phụ nữ chỉ thích hợp với công việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, nam giới thì phù hợp với các ngành nghề kỹ thuật, công nghệ cao và những ngành nghề phụ nữ hay làm thường có thu nhập thấp hơn nam giới”.

Phụ nữ Đức phải đảm nhiệm phần lớn việc nhà

Tháng 10/2018, khi sang Việt Nam chia sẻ về bất bình đẳng và bạo lực giới tại nơi làm việc, TS. Sina Fontana MLE đến từ Đại học Tổng hợp Georg August Gottinggen cho biết:

“Ngày nay, phụ nữ toàn thế giới đang tham gia nền kinh tế. Mặc dù không có sự nghi ngờ về khả năng phụ nữ và vai trò của họ trong phát triển kinh tế, tuy nhiên phụ nữ và nam giới vẫn đối mặt với sự bất bình đẳng. Phụ nữ thường đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc. Nếu các cơ sở chăm sóc trẻ em không được xây dựng đầy đủ hoặc giá cả không phải chăng thì phần lớn phụ nữ vẫn phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Điều đó đồng nghĩa phụ nữ đóng góp nhiều hơn vào lao động không trả công.

 

185882317-seehausen-klopfen-hausarbeit-bettdecke.jpg
Phụ nữ Đức vẫn đang đóng góp nhiều hơn vào lao động không trả lương
29iht-ffgermany29-jumbo.jpg
Đức là nơi mà khuôn mẫu giới vẫn còn bị “khắc sâu trong tâm trí” trong xã hội. Ảnh: Gordon Welters/ International Herald Tribune.

Tại Đức, ngay cả khi, người phụ nữ có công việc, họ cũng đóng góp nhiều hơn lao động của mình vào công việc chăm sóc, điều đó tác động tới việc họ tiếp cận công việc và các cơ hội kinh tế của phụ nữ. Đầu tiên là tiếp cận công việc, nghề nghiệp; hoàn cảnh và điều kiện của người phụ nữ có ảnh hưởng tới quyết định cá nhân của nhà tuyển dụng – thông thường họ mong đợi nam giới làm việc giúp họ hơn. Trong mọi trường hợp, gánh nặng kép có tác động tiêu cực tới các cơ hội kinh tế của phụ nữ. Phụ nữ dành nhiều thời gian cho gia đình, điều đấy cũng có nghĩa họ phụ thuộc kinh tế nhiều hơn vào người chồng.

Ngoài ra, ở Đức và rất nhiều nước châu Âu, khuôn mẫu giới trong nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới hiện vẫn còn tồn tại. Phụ nữ thích hợp với công việc giáo dục, chăm sóc sức khoẻ hoặc làm việc trong các lĩnh vực làm đẹp. Tất cả lĩnh vực này, thu nhập thường thấp hơn các lĩnh vực nghề nghiệp mà nam giới chiếm ưu thế. Mặt khác, nam giới chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành nghề kỹ thuật - công nghệ cao, điều đó cũng có nghĩa mức lương của họ tốt hơn. Vì vậy quyết định lựa chọn nghề nghiệp của phụ nữ cũng là nguyên nhân dẫn tới thu nhập của phụ nữ còn khá thấp so với nam giới.

 

2.jpg
TS Sina Fontana MLE: "Ở Đức, phụ nữ vẫn có nhu nhập thấp hơn nam giới ngay cả khi phụ nữ và nam giới cùng đảm nhận công việc giống nhau. Điều này gọi là khoảng cách giới trong việc trả lương"

Mặc dù nhiều phụ nữ có trình độ cao tuy nhiên số lượng phụ nữ chiếm giữ các vị trí lãnh đạo lại không nhiều. Trong trường hợp này, chúng ta cần cân nhắc “trần kính”. Hiện nay, rất nhiều nguyên nhân của vấn đề này được phân tích chưa rõ ràng tuy nhiên phụ nữ gặp nhiều trở ngại, khó khan trong việc phấn đấu và đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo".

 

Thúc đẩy các chương trình về bình đẳng giới tại nơi làm việc

Để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng và bạo lực giới tại nơi làm việc, theo TS. Sina Fontana MLE: “Hiện nay, tại Đức đang tăng cường thực thi, giám sát các hoạt động theo khung pháp lý liên quan đến bộ luật Quốc tế về quyền con người, Công ước về Chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Luật cơ bản (Hiến pháp) của Đức (có quy định tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật ; Phụ nữ và nam giới đều có quyền bình đẳng. Nhà nước cần thúc đẩy việc thực thi quyền bình đẳng thực chất đối với phụ nữ và nam giới cũng như đề xuất các giải pháp xoá bỏ các rào cản; Không một ai bị đối xử khác biệt vì lý do giới tính, tình trạng hôn nhân, chủng tộc, ngôn ngữ khác nhau, vùng miền, xuất thân, niềm tin hay tôn giáo…);

Đặc biệt, riêng trong Luật Lao động tại Đức được quy định phụ nữ và nam giới đều cần được đối xử bình đẳng. Các quyền và nghĩa vụ khác nhau được thể hiện trong các lĩnh vực khác nhau của Luật lao động – trong đó việc đối xử khác nhau sẽ đảm bảo bình đẳng thực chất. Theo đó, Luật này có quy định phụ nữ và nam giới đều cần được đối xử bình đẳng, ngăn chặn hoặc chấm dứt phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc hoặc nguồn gốc dân tộc, giới tính, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, tình trạng khuyết tật, tuổi tác hoặc khuynh hướng tình dục…

 

chancengleichheit_beitragsbild.jpg
Luật Lao động tại Đức được quy định phụ nữ và nam giới đều cần được đối xử bình đẳng thực chất

Luật Lao động Đức đưa ra quy định thời gian thai sản và chăm sóc con nhằm giải quyết vấn đề gánh nặng kép - chăm sóc trẻ em và làm việc; Quy định về việc trả công bình đẳng; đưa ra hạn ngạch đối với phụ nữ -  Quota nhằm thúc đẩy phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo; Có quy định về chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

Tại Đức, trong suốt thời kỳ mang thai và tới thời điểm 4 tháng sau sinh, lao động nữ được bảo vệ đặc biệt không bị sa thải ngay cả khi được thông báo hay không được thông báo trước (Điều 17 Luật thai sản). Sự bảo vệ tuyệt đối tương tự được áp dụng cho thời gian nghỉ phép để trông con. Trong thời gian 6 tuần trước khi sinh đứa trẻ đến 8 tuần sau sinh, người chủ không được phép sa thải lao động là người mẹ mang thai và cho con bú (Điều 3 - Luật Bảo vệ thai sản). Ngoài ra, còn có một số biện pháp bảo vệ khác như lệnh cấm làm việc vào ban đêm và chủ nhật. 

Ngoài ra, tại Đức cũng đã đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm:  Rất nhiều cơ quan/tổ chức thuộc nhà nước và tư nhân đã và đang thiết lập các chương trình thúc đẩy phụ nữ đảm nhận giữ vai trò trong các vị trí lãnh đạo.

Có các chương trình bao gồm tham vấn, đào tạo và hỗ trợ; Mục đích nhằm giúp phụ nữ nhìn nhận cơ hội của họ, thảo luận và vượt qua sự lo lắng, chia sẻ kiến thức và vượt qua các rào cản (hay còn gọi là các “bức trần kính”)…

 

facebook.jpg
 Tập trung thúc đẩy hệ thống giáo dục, chăm sóc trẻ nhằm giảm gánh nặng kép cho phụ nữ 

Ngoài ra, tại Đức cũng có các chương trình để xoá bỏ các khuôn mẫu. Một ví dụ là dự án/chương trình gọi là “Ngày tương lai” ở Đức trong đó các trẻ em trai và gái cũng như phụ nữ đều có cơ hội kinh tế như nhau và đưa ra những công việc giới hạn cho nam giới và công việc giới hạn cho nữ giới”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn