Theo đó, một phần lớn số tiền này - khoảng 1 tỷ Euro - sẽ được đóng góp vào chương trình vaccine COVAX để bảo đảm các nước có mức thu nhập thấp và trung bình tiếp cận được vaccine chống Covid-19. Một phần nữa của khoản tiền này sẽ được sử dụng cho chẩn đoán và thuốc men phòng chống dịch bệnh này. Khoản đóng góp tạo điều kiện để mua thêm vaccine, phân chia được các liều tiêm chủng và thúc đẩy việc nghiên cứu vaccine chống lại các biến chủng virus. Như vậy Đức thuộc số những nước tài trợ lớn nhất. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ đó, vì các nước có mức thu nhập trung bình cũng có quyền nhận được vaccine thông qua COVAX.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ chỉ an toàn nếu tất cả đều an toàn. Vì thế đối với những khủng hoảng toàn cầu như đại dịch Corona chỉ có thể đáp lại bằng những câu trả lời toàn cầu. Chính vì lý do này nên Chính phủ Liên bang nỗ lực cho một tiền đề chung và đa phương là nền tảng ACT-A do Tổ chức Y tế thế giới điều phối. ACT-A là cơ chế thích hợp nhất để vaccine và các công cụ chống đại dịch được tiếp cận một cách công bằng và thích đáng trên khắp thế giới. Giờ đây Chính phủ Liên bang đóng góp cho ACT-A 1,5 tỷ Euro. 110 triệu Euro trong đó đến từ Bộ Ngoại giao Đức. Một phần lớn khoản đóng góp này là dành để cung cấp vaccine cho người dân trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo không được chính phủ của họ chu cấp. Chúng tôi hỗ trợ 10 triệu Euro cho Quỹ cứu trợ khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới. Tổ chức Y tế thế giới có thể sớm sử dụng linh hoạt khoản hỗ trợ này".
Đức sẽ tiếp tục cùng các đối tác châu Âu và quốc tế nỗ lực để vaccine, thuốc men và công cụ chẩn đoán được tiếp cận trên khắp thế giới một cách công bằng và với chi phí có thể thanh toán được. Cho đến nay, mới chỉ 0,5% số lượng tiêm chủng được thực hiện tại các nước nghèo. Mục tiêu là cho đến cuối năm tiêm chủng cho ít nhất 20% dân số. Tuy nhiên nguồn tài chính cho mục tiêu này, kể cả sau Hội nghị thượng đỉnh G7, vẫn chưa được bảo đảm. Để trong năm 2021 cũng tiếp tục làm tốt được công việc của mình, sáng kiến Covax cần tổng cộng 27,7 tỷ USD. Chính vì thế, phần đóng góp của Đức là một tín hiệu quan trọng gửi đến các nước và các cơ quan, tổ chức quốc tế, cũng như giới tư nhân, kêu gọi tiếp tục tham gia sáng kiến này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn