Báo PNVN đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Phạm Thị Hồng Khuyên, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), xung quanh giải pháp ngăn ngừa, tiến tới xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh cho bà con dân tộc thiểu số.
PV: Bà đánh giá như thế nào về nguyên nhân của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Đức Trọng?
Bà Phạm Thị Hồng Khuyên: Có thể thấy rằng, nguyên nhân cơ bản của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH - HNCHT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Đức Trọng phần lớn do ảnh hưởng nặng nề của hủ tục, tập quán lạc hậu, kết hôn sớm để có thêm lao động, người trong dòng họ lấy nhau sẽ không mất đi của cải... Bên cạnh đó, do trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận thông tin không thường xuyên, hiểu biết và nhận thức về quy định của pháp luật trong người dân còn có mặt hạn chế; sự khác biệt ngôn ngữ, bà con DTTS không thông thạo tiếng phổ thông cũng là một trong những nguyên nhân của tình trạng TH - NHCHT.
PV: Trước thực trạng này, Hội LHPN Đức Trọng đã làm gì để hạn chế, tiến đến đẩy lùi nạn TH - NHCHT?
Bà Phạm Thị Hồng Khuyên: Trước thực trạng của nạn TH - NHCHT vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân trong vùng đồng bảo dân tộc thiểu số của huyện Đức Trọng nói chung và 2 xã Đa Quyn, Tà Năng nói riêng, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm đến mọi mặt đời sống của bà con nhân dân.
Đặc biệt, từ năm 2022, Đức Trọng đã thực hiện Dự án 8 về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại 5 thôn đặc biệt khó khăn của huyện Đức Trọng (với khoảng 95% đồng bào DTTS đa số là đồng bào dân tộc Chu ru, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông).
Các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp với các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, nâng cao đời sống vất chật và tinh thần của người dân nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Đến nay, Hội LHPN Đức Trọng đã thành lập 5 Tổ truyền thông cộng đồng tại 5 thôn với 50 thành viên, đây là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em. Các Tổ truyền thông đã tuyên truyền được 15 buổi với các nội dung liên quan đến các hủ tục lạc hậu thông qua hình thức tuyên truyền trực tiếp tại các kỳ sinh hoạt, trên loa truyền thanh hoặc đến trực tiếp từng hộ gia đình phát tờ rơi kết hợp truyền thông. Hội Phụ nữ xã cũng tổ chức 3 Hội nghị đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với hội viên phụ nữ và nhân dân, thu hút hơn 200 người tham gia với 26 lượt ý kiến xoay quanh nội dung Phòng chống bạo lực gia đình, TH - NHCHT…
Ngoài ra, các ban ngành còn tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó, các phong tục tập quán lạc hậu và tình trạng TH - NHCHT trên địa bàn 2 xã Đa Quyn, Tà Năng so với những năm trước đã từng bước giảm dần. Người dân, nhất là các bạn trẻ đã từng bước có chuyển biến, nhận thức đúng đắn về TH - NHCHT không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản, giống nòi... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
PV: Từ thực tế hành động, Hội LHPN Đức Trọng có đề xuất, giải pháp gì để dần dần từng bước xoá bỏ nạn TH - NHCHT?
Bà Phạm Thị Hồng Khuyên: Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa các hoạt động của Dự án 8 và từng bước xóa bỏ nạn TH - NHCHT thống và các hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN Đức Trọng mạnh dạn đưa ra 5 giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Hôn nhân và Gia đình; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới, Dân số & gia đình... nhằm nâng cao nhận thức cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là học sinh, thế hệ trẻ với những hình thức phù hợp theo từng đối tượng, từng địa bàn.
Hai là, đa dạng hóa cách thức tuyên truyền, lựa chọn nội dung truyền thông có trọng tâm, ngắn gọn nhưng sát với thực tế và nhận thức của người dân; phát huy nét đẹp truyền thống, tập tục tốt đẹp về hôn nhân gia đình... tập trung vào nhóm đối tượng nữ giới, thanh thiếu niên và địa bàn có nguy cơ cao về tảo hôn...
Ba là, phát huy vai trò của Tổ truyền thông cộng đồng; đội ngũ cán bộ người DTTS, già làng, trưởng dòng họ, người uy tín, đội ngũ giáo viên, tuyên truyền viên trong công tác tuyên truyền, vận động.
Bốn là, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn tình trạng tTH - HNCHT ở địa phương. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về TH - HNCHT để răn đe.
Một số hoạt động của Hội LHPN Đức Trọng
Năm là, xây dựng, duy trì và triển khai mô hình, cách làm sáng tạo nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểuTH - HNCHT trong vùng đồng bào DTTS.
Tôi cho rằng, xóa bỏ hủ tục lạc hậu là việc không thể không làm được, đặc biệt trong thời đại công nghệ, tri thức đang rất phát triển. Để ngăn ngừa, hạn chế, tiến tới xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh thì phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các DTTS. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được vấn đề TH - HNCHT tận gốc dễ.
PV: Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn