Phóng viên TTXVN tại Berlin Đức trích dẫn số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (Ifo) cho thấy tỷ lệ sinh của Đức đạt mức thấp kỷ lục mới 1,35 trẻ trên một phụ nữ, so với 1,58 trẻ trên một phụ nữ năm 2021.
Sự suy giảm rõ rệt hơn ở miền Đông nước Đức so với các bang phía Tây của Đức.
Theo Cục Thống kê Liên bang Đức, khoảng 392.000 trẻ em được sinh ra ở Đức trong khoảng thời gian từ tháng 1-7/2024, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số này củng cố xu hướng giảm đã có từ năm 2022 và 2023, khi có 693.000 trẻ được đăng ký khai sinh, trong khi năm 2021, có 795.500 trẻ em được sinh ra ở Đức.
Cho đến năm 2016, số liệu thống kê cho thấy số trẻ sơ sinh ở Đức thấp hơn đáng kể. Năm 2013, chỉ có hơn 682.000 trẻ ra đời. Năm 2015, con số này chỉ cao hơn một chút với 737.000 trẻ. Tuy nhiên, trong những năm đạt đỉnh tiếp theo từ năm 2016 đến năm 2021, cứ 1.000 dân thì có hơn 9 trẻ sơ sinh. Hiện nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn 8,2, thậm chí còn thấp hơn so với 10 và 15 năm trước.
Những biến động đáng kể về tỷ lệ sinh của một quốc gia chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi dài hạn. Trước hết là số nhà trẻ và trường học cần thiết cho việc chăm sóc và giáo dục.
Về lâu dài, tỷ lệ sinh ảnh hưởng đến lực lượng lao động cũng như nguồn tài chính ổn định của quỹ hưu trí. Cuối cùng, tỷ lệ sinh thấp cũng là yếu tố dẫn đến nhu cầu nhập cư.
Theo Ifo, số ca sinh ở các bang phía Đông của Đức đang giảm nhanh hơn so với ở phía Tây. Trên cả nước, số trẻ sơ sinh đã giảm gần 13% trong thời gian từ 2021-2023. Tuy nhiên, ở các bang phía Đông, mức giảm lên tới 17,5%.
Điều này phù hợp với xu hướng đã được chứng minh về mặt thống kê là có nhiều phụ nữ trẻ hơn là nam giới chuyển từ miền Đông sang miền Tây nước Đức để tìm kiếm các lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn hoặc vì lý do cá nhân.
Việc giảm tổng số trẻ sơ sinh không có gì đáng ngạc nhiên vì số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang giảm và tỷ lệ sinh trên mỗi phụ nữ cũng thấp hơn.
Ông Joachim Ragnitz, Phó Giám đốc chi nhánh Ifo Dresden, cho rằng nhiều yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định sinh con, trong đó có cân nhắc chi phí và lợi ích, cũng như kế hoạch cuộc sống. Trên thực tế, chi phí trung bình để nuôi dưỡng một đứa trẻ tại Đức được ước tính khoảng 180.000 euro (khoảng 194.000 USD) trong 18 năm đầu đời.
Theo quan điểm của ông Ragnitz, các chính trị gia có trách nhiệm thay đổi phép tính cơ bản "bằng cách tăng lợi ích hoặc giảm chi phí," ngoài ra xã hội cũng cần có thay đổi cơ bản về thái độ tiếp cận trẻ em và gia đình, để cho thấy sự sẵn sàng hỗ trợ các gia đình trẻ cả về mặt vật chất và phi vật chất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn